Không có cơ chế quản lý rõ ràng, dẫn đến tình trạng Quỹ phát triển rừng
không thể giải ngân nên mới có tình trạng nộp tiền vào quỹ nhưng rừng vẫn mất.
Theo báo cáo của Chính
phủ, chỉ một số ít chủ đầu tư thủy điện thực hiện việc trồng, hoàn trả lại rừng.
Hầu hết đều muốn nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng thay cho việc trồng lại rừng.
Diện tích rừng trồng lại quá nhỏ so với con số bị phá đi
Quỹ phát triển rừng như cái 'rổ đựng tiền"
Việc Quỹ phát
triển rừng tồn tại nhưng lại không đem lại hiệu quả trong
việc trồng bồi hoàn rừng sau chuyển đổi, ông Tô Xuân Phúc - Tổ chức
Forest Trends (Hoa Kỳ) đánh giá, một phần có sự lạm
dụng chính sách.
Quy định trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng sang làm
dự án thủy điện đã được quy định rất rõ tại Thông tư 24 của Bộ NN&PTNT.
Theo đó, việc chuyển đổi
mục đích sử dụng rừng sang làm thủy điện chỉ được thực hiện khi có
phương án trồng rừng thay thế. Với phương án diện tích trồng rừng thay thế ít nhất phải bằng diện tích rừng chuyển sang mục đích khác hoặc nộp tiền trồng rừng theo quy định nếu địa phương hết quỹ đất.
Số tiền nộp để trồng rừng thay thế theo thiết kế, dự toán được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm cả chi phí khảo sát, thiết kế, xây
dựng rừng, chi phí quản lý đến khi thành rừng). Số tiền này được nộp vào Quỹ Bảo
vệ và Phát triển rừng Trung ương do Bộ NN&PTNT quản lý.
Tuy nhiên, ở Việt Nam
việc tính toán việc trồng hoàn rừng chưa được tính đúng giá trị thực của rừng chuyển đổi, mới chỉ tính toán dựa trên tiêu
chí phá 1ha rừng thì phải trồng mới 1ha rừng, nhưng giá trị 1ha rừng tự nhiên là khác hoàn toàn so với giá trị 1ha rừng trồng.
Ông Phúc cho biết, nếu
tính đúng giá trị thực chưa chắc các doanh nghiệp đã dám làm vì số tiền phải
bồi hoàn là quá lớn.
Theo ông Phúc, hiện nay
các chủ dự án thường lấy lý do quỹ đất của địa phương không còn đất cho họ
trồng hoàn, đây cũng là một thực tế bất cập. Lý do này là nguyên nhân khiến Quỹ Bảo
vệ và Phát triển rừng không có cơ hội giải ngân dẫn đến tình trạng
phá rừng nhưng không trồng hoàn lại rừng.
Ông Phúc cho rằng, trên
thế giới qũy này được sử dụng và phát huy rất hiệu quả. Còn ở Việt Nam Quỹ này
chỉ như cái "rổ nhận tiền".
Thực tế có thể nhìn thấy
ngay từ những con số báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 6 năm, có hơn 20.000 rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng 160
dự án thủy điện. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng bù lại chỉ được 735 ha, bằng 3,7% diện
tích rừng đã bị mất.
Rõ ràng thấy rằng, nó có
vấn đề. Có thể vướng mắc ở đây liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng, tiền quỹ
dẫn đến tình trạng địa phương thiếu quỹ đất nhưng lại khó khăn khi giải ngân
trồng rừng ở địa phương khác.
Trong khi đó, trên thế
giới khi tính toán để phá 10ha rừng làm thủy điện, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ
vào tính toán cụ thể giá trị về mặt dịch vụ môi trường, đa dạng sinh học (giá
trị cây, môi trường, đa dạng sinh học, yếu tố tác động tới môi trường....) sau
đó được quy đổi bằng tiền.
"Số tiền này có thể
quay lại nguồn ngân sách của nhà nước đầu tư để trồng lại rừng cũng có thể đưa vào ngân hàng quỹ phát triển
bồi hoàn đa dạng sinh học của chính phủ. Tức là nó được đưa vào đầu tư phát
triển tại một khu bảo tồn sinh học nào đó cụ thể, để tránh tình trạng không có
quỹ đất trồng rừng thì không giải ngân được tiền quỹ. Giống như ở
Việt Nam, có quỹ mà rừng vẫn mất", ông Phúc nói.
Tuy nhiên, cũng cần phải
xem xét lại vấn đề quy hoạch tại địa phương, trước khi phê duyệt dự án cần phải
xác định phương án trồng hoàn rừng. Không thể lý giải, bao biện không có quỹ
đất mà phê duyệt dự án, phá rừng bừa bãi.
Phải chấm dứt ngay
Tại phiên thảo luận Quốc
hội ngày 30/10, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường
nêu rõ con số đáng quan ngại: Trong 6 năm, có hơn 20.000 rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng 160
dự án thủy điện. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng bù lại chỉ được 735 ha, bằng 3,7% diện
tích rừng đã bị mất.
Trả lời báo chí, đại
biểu Ngô Văn Minh cho rằng, không thể chấp nhận việc làm tắc trách như vậy.
"Quy định thủy điện
lấy đi bao nhiêu diện tích rừng thì phải trồng bù vào đủ số ấy là một quy định
bất khả thi, phi lý mà vẫn cứ đưa ra. Trong mấy chục năm phấn đấu tỉ lệ độ che
phủ rừng vẫn chỉ trên dưới 40%, vậy khi anh chặt rừng đi làm thủy điện thì lấy đất ở đâu để trồng bù
vào?
Giờ lại sinh ra cái Quỹ Bảo
vệ và Phát triển rừng để nhà đầu tư phải nộp vào số tiền tương ứng
để đi trồng rừng chỗ khác.
Tôi xin hỏi là anh trồng
ở chỗ nào? Chẳng lẽ lấy đất rừng trên núi làm thủy điện rồi xuống biển trồng
rừng? Tôi nghĩ rằng chúng ta đang đi từ giải pháp bất khả thi này đến giải pháp
bất khả thi khác. Chúng ta cần nói rõ với dân rằng để có thủy điện thì chúng ta
phải chấp nhận trả giá, được cái này thì phải mất cái kia, chứ không thể mập mờ
đánh lận con đen được", ông Minh bức xúc.
Trong khi đó, qua rà
soát tới tháng 9/2013 đã có hơn 400 dự án thủy điện bị loại khỏi quy hoạch do
tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy
hoạch/dự án ưu tiên khác.
Theo ông Minh, nguyên
nhân là do chất lượng quy hoạch rất yếu kém và cần phải chấm dứt ngay.
Ông Minh đề nghị Chính
phủ báo cáo những thiệt hại cụ thể đã gây ra cho nhà đầu tư, cho dân vùng dự
án; làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với từng dự án xem nó lỗi ở khâu
nào: khảo sát, chủ trương đầu tư hay quyết định đầu tư? Cần làm rõ việc loại ra
khỏi quy hoạch chừng ấy dự án thì gây thiệt hại bao nhiêu cho ngân sách nhà
nước và ai phải chịu trách nhiệm.
Lam Lam (báo Đất việt)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét