Tình hình ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý
chất thải rắn diễn ra rất phức tạp. Tại một số bãi rác đã biến thành điểm nóng
về an ninh trật tự, xuất hiện tình trạng khiếu kiện kéo dài, tụ tập đông người
ngăn cản xe vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt vào bãi làm cho tình hình ô nhiễm
môi trường càng trầm trọng thêm.
Đây là nhận định
của lãnh đạo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường tại Hội thảo
"Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về môi
trường trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất
thải rắn sinh hoạt" được
tổ chức ngày 1/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa IE
Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường, các vi phạm trong lĩnh
vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung
chủ yếu vào các hành vi như không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề
án hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; thực hiện không đúng, không đầy đủ các
nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; không xây
lắp, xây lắp không đúng đối với công trình xử lý môi trường; chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không đúng
nơi quy định; không tiến hành phân loại chất thải rắn, chôn chất thải rắn sinh hoạt lẫn với chất
thải công nghiệp, chất thải nguy hại;...
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh
trên toàn quốc là 61.500 tấn/ngày (thành thị là 31.000 tấn/ngày, nông thôn
30.500 tấn/ngày (số liệu năm 2012)). Tỷ lệ thu gom, xử lý trung bình tại các đô
thị là 83,5%, vùng nông thôn khoảng 20-30%. Lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta có
xu hướng phát sinh ngày càng gia tăng, trung bình khoảng 10%/năm. Dự báo đến
năm 2015, lượng chất thải rắn đô thị phát sinh
khoảng 37.000 tấn/ngày, đến 2020 là 50.000 tấn/ngày. Hiện cả nước có khoảng 458
bãi chôn lấp có quy mô trên 1 ha với tổng diện tích khoảng 1.813 ha; trong đó,
có 121 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 26,5%), còn lại là các bãi chôn lấp
không hợp vệ sinh. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh phần lớn là bãi rác tạm,
lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ đang là nguồn gây ô nhiễm
môi trường và chiếm diện tích đất rất lớn.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật cho rằng: Xử lý chất thải rắn đang là vấn đề bức xúc
không chỉ ở các đô thị mà còn là vấn đề nóng, cấp bách ở các khu vực dân cư
nông thôn. Phần lớn chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý
bằng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh (khoảng 73%) nên gây ô nhiễm môi
trường, chiếm diện tích lớn. Trong khi đó, ở nông thôn chất thải rắn chưa thu gom, xử lý
còn khá lớn, gây ô nhiễm về môi trường, ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt. Mặt
khác, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn ở nước ta còn chưa đầy
đủ, chưa thống nhất hoặc chồng chéo, việc phân công trách nhiệm quản lý chất thải rắn giữa các bộ ngành còn
chưa rõ ràng, nhất là quản lý chất thải rắn ở nông thôn.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi về thực trạng cũng như
đề ra các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong lĩnh
vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể như:
cần tập trung hoàn thiện việc phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên cả nước là cơ sở
cho việc xác định vị trí, quy mô đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn; nghiên cứu,
chỉnh sửa bổ sung, xây dựng mới các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt; hoàn thiện
các chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong lĩnh
vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, các cơ quan
chức năng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân
và chủ doanh nghiệp trong công
tác bảo vệ môi trường, thu gom chất thải rắn sinh hoạt cũng như
việc giám sát thực hiện công tác quản lý chất thải rắn của các cơ sở, đơn vị
liên quan.
Hoàng Anh Tuấn
tinmoitruong.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét