Bị bắt quả tang 10 lần xả trực tiếp chất thải chưa qua xử lý ra môi trường
nhưng ngoài vài lần bị xử phạt hành chính, Công ty Hào Dương ở KCN Hiệp Phước,
huyện Nhà Bè, TP HCM vẫn bình chân như vại.
Ngày 30-10, Đại tá Phan Hữu Vinh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát
Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an), cho biết đơn vị này đang
thu thập hồ sơ, chứng cứ và tính toán mức độ ô nhiễm từ hoạt động vi phạm của
Công ty CP thuộc da Hào Dương (Công ty Hào Dương) để đưa ra biện pháp xử lý
thích đáng. Trước đó, ngày 24-10, C49 và các đơn vị chức năng đã lập biên bản
quả tang công ty này đang xả chất thải ra môi trường
Hôi thối um trời
Sáng 30-10, chúng tôi trở lại khu vực quanh Công ty Hào Dương ở xã
Long Thới, huyện Nhà Bè. Theo người dân địa phương, con sông Đồng Điền cạnh
công ty trước đây nước trong xanh, bà con thường lấy về tắm giặt. “Tôm cá ở đây
rất nhiều, chỉ cần giăng lưới vài giờ là bắt bán mua gạo ăn cả tuần. Sau khi
Công ty Hào Dương về đây hoạt động vài năm, nguồn nước bắt đầu ô nhiễm, tôm cá
cạn kiệt dần. Khu vực này trước đây có hàng trăm hộ dân sống bằng nghề đánh cá,
nay chỉ còn tính trên đầu ngón tay” - ông Lê Văn Tư- ngụ ấp 1, xã Long Thới-
cho biết.
Sông Đồng Điền cạnh Công ty Hào Dương ô nhiễm nặng và một trong
những cống xả thải của công ty này Ảnh: Thành Đồng
Gia đình ông Tư cũng
từng sống bằng nghề đánh cá nhưng lâu nay phải dong ghe ra tận gần biển Cần Giờ
để đánh bắt. Con trai ông thấy cuộc sống bấp bênh đã bỏ sông nước xin làm công
nhân trong KCN.
Theo người dân, ban đêm,
khi Công ty Hào Dương xả thải ra sông thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc,
không ai ngủ được dù đã đóng kín cửa. Ban ngày, khi nước lên, váng mỡ tràn vào
tận nhà, đóng thành từng dề, thối um trời. “Lội xuống sông lên là chân dính đầy
mỡ, rửa hoài không sạch, nhiều người rửa không kỹ da đã bị dị ứng. Mỡ đóng từng
mảng, ruồi muỗi đậu đen kịt khắp nơi” - ông Lê Văn Hai, ngụ ấp 1, bức xúc.
Một người dân đã dùng
ghe máy đưa chúng tôi đi một vòng quanh sông Đồng Điền. Vừa đến khu vực ống
cống của Công ty Hào Dương, chúng tôi đã lợm giọng vì mùi hôi thối. “Cứ tầm 17
giờ, công nhân lại kéo ống ra để sẵn. Khoảng 20 giờ, khi nước sông rút thì họ
bắt đầu xả nước thải. Sau đó, mỡ bò, da bò nổi lềnh bềnh khắp nơi” - người điều
khiển ghe cho biết. Theo ông, khoảng 5 giờ, việc xả nước thải ra sông ngừng
lại, công nhân của công ty thu dọn ống…
Ngoài các ống rời, khu
vực xung quanh bờ rào của Công ty Hào Dương còn có gần 10 ống cống lớn nhỏ nối
thẳng ra sông Đồng Điền. “Do mới bị cảnh sát môi trường bắt quả tang nên công
ty ngừng xả thải, nếu không thì mùi hôi thối còn kinh khủng hơn” - người điều
khiển ghe nói.
Tại khu vực xung quanh
các cống xả thải, cây cối bị mỡ bám đầy, chết dần. Trước đó, một hộ dân bên kia
sông tổ chức đám cưới cho con. Khi khách bắt đầu vào tiệc, gió thổi bạt mùi hôi
từ Công ty Hào Dương sang, ai cũng phải dừng đũa. Quá bức xúc, gia đình này đã
kéo sang yêu cầu Công ty Hào Dương ngừng xả thải.
Người dân địa phương cho
biết họ đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương. UBND xã Long Thới
cũng đã họp dân nhưng chỉ được thời gian ngắn, đâu lại vào đấy. “Thỉnh thoảng,
chúng tôi cũng thấy công an đến kiểm tra nhưng chẳng đâu vào đâu, thậm chí công
ty này còn xả thải nhiều hơn” - một người dân ngao ngán.
Khó khởi tố nhưng có thể
đóng cửa
Hôm 24-10 là lần thứ 10
Công ty Hào Dương bị bắt quả tang xả trực tiếp chất thải chưa qua xử lý ra môi
trường. Trước đó, trong cuộc họp vào tháng 9-2012, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê
Mạnh Hà đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành cưỡng chế công ty này thực
hiện việc khắc phục sai phạm với hành vi xây dựng không phép, sai phép.
Ông Hà cũng giao Sở Tài
nguyên - Môi trường (TN-MT) phải có văn bản đề xuất UBND TP đình chỉ hoạt động
Công ty Hào Dương (theo điều 48 Nghị định 117/CP về xử lý vi phạm trong lĩnh
vực bảo vệ môi trường). Tuy nhiên, đến nay, Sở TN-MT cho biết vẫn đang chờ ý
kiến các sở, ngành và đề xuất của Ban Quản lý Các KCX-KCN TP HCM (Hepza).
Ngày 30-10, trao đổi với
phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Hepza cho biết đang chuẩn bị văn bản để
báo cáo UBND TP HCM về những sai phạm của Công ty Hào Dương từ trước đến nay.
Theo vị này, cuối năm 2012, Hepza đã hệ thống tất cả vi phạm về môi trường, xây
dựng của Hào Dương và cung cấp cho Sở TN-MT để cơ quan này làm cơ sở xử lý vi
phạm. Hepza cũng đã đề xuất TP lập đoàn thanh tra toàn diện những sai phạm của
công ty và đình chỉ hoạt động.
Công ty Hào Dương đã
nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi liên quan đến vi phạm
pháp luật bảo vệ môi trường. Gần đây nhất, tháng 10-2013, UBND TP HCM đã ra
quyết định xử phạt hành chính công ty 75 triệu đồng vì những vi phạm liên quan
đến chất thải khí. Trước đó, tháng 8-2012, Hào Dương cũng bị xử phạt 340 triệu
đồng vì 4 vi phạm về bảo vệ môi trường.
Theo Đại tá Phan Hữu Vinh,
dù C49 đã xem xét đến khả năng khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi xả thải của Công ty Hào Dương nhưng “rất khó thực
hiện”. “Để khởi tố, chúng tôi phải làm rõ dấu hiệu tội phạm và chứng minh được
hậu quả từ việc gây ô nhiễm môi trường của công ty là nghiêm trọng, đặc biệt
nghiêm trọng thế nào. Sông Đồng Điền rộng lớn, thủy triều lại lên xuống liên
tục. Do vậy, để giám định, đo đếm được là rất khó khăn, tốn kém” - ông giải
thích.
Đại tá Vinh cho rằng vụ
Công ty Vedan gây hậu quả rõ ràng hơn mà còn chưa khởi tố được. “Với Công ty
Hào Dương, khi đủ cơ sở, chúng tôi sẽ đề nghị rút giấy phép và đình chỉ hoạt
động vì quá trình vi phạm ở đây kéo dài, không khắc phục”- đại tá Vinh khẳng
định.
Xem nhẹ sức khoẻ người dân
Luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật,
Đoàn Luật sư TP HCM - cho rằng việc Công ty Hào Dương xả nước thải chưa qua xử
lý, gây ô nhiễm môi trường đã khiến dư luận xã hội phẫn nộ. Theo luật sư, khoản
5, điều 7 Luật Bảo vệ môi trường đã nghiêm cấm hành vi xả chất thải chưa được
xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại
khác vào đất, nguồn nước. Khoản 1 và 2, điều 49 Luật Bảo vệ môi trường cũng đã
quy định rõ các hình thức xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường, từ phạt tiền,
tạm đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động đến bồi thường thiệt hại, thậm chí bị
truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Hành vi của Công ty Hào Dương diễn ra trong thời gian dài, cơ
quan chức năng đã xử lý gần 10 lần theo hình thức vi phạm hành chính nhưng vẫn
tái phạm. Đây là sự coi thường pháp luật và coi thường tính mạng, sức khỏe của
người dân lân cận. Nhà nước cần mạnh tay hơn qua biện pháp cấm doanh nghiệp
hoạt động, đồng thời truy cứu trách nhiệm hình sự người đại diện pháp luật và
những lãnh đạo công ty cũng như người thực hành nhằm xử lý thích đáng, tương
xứng với lỗi gây ra. Pháp luật đã quy định rất đầy đủ và rõ ràng. Vấn đề là cơ
quan thẩm quyền có xử lý một cách nghiêm minh bằng tinh thần thượng tôn pháp
luật hay không mà thôi” - luật sư Công nhấn mạnh
(Theo NLĐ)
tinmoitruong.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét