Đây là nhận định đầy bức
xúc của Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải về việc chống ngập cho TP tại Hội
nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa IX ngày 26-10. Ông đặt câu hỏi nhức nhối: “Tại
sao vậy?”.
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, nhà ở đường Nguyễn Xuân Ôn, Q.Bình Thạnh
(TP.HCM), phải di chuyển đồ dùng liên tục vì nước ngập vào nhà mỗi lúc một cao
do triều cường tối 21-10 - Ảnh: Quang Định
Hội nghị Ban chấp hành
Đảng bộ TP lần này đã thông qua chương trình hành động của Thành ủy TP thực
hiện nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với
biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Phát biểu kết luận hội
nghị, ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh giải pháp về công tác quy hoạch, trước hết là
quy hoạch xây dựng. Ông yêu cầu cần rà soát ngay quy hoạch xây dựng để làm sao
đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh. Đồng thời ban hành những
quy định, quy chế xử lý thật nghiêm, mang tính răn đe đối với những người quản
lý quy hoạch không tốt, thực hiện trái quy hoạch.
Về quy hoạch sử dụng
đất, theo ông Hải, phải nhìn nhận là có làm nhưng chất lượng không cao, đôi khi
làm để báo cáo cho bài bản. Theo ông, nếu rà soát, làm tốt về quy
hoạch này sẽ góp phần rất lớn để hạn chế ngập lụt. Riêng mảng xây dựng, ông chỉ
đạo cần hạn chế thấp nhất tình trạng bêtông hóa mặt đất, mặt đường... “Các đồng
chí đã đi nghiên cứu, học hết rồi mà không chịu làm thôi.
Tại sao vậy?” - ông Hải đặt vấn đề về chuyện chống ngập. Ông cũng yêu cầu các
cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định bắt buộc có hồ chứa
nước trên nóc nhà đối với những công trình xây dựng lớn, còn đối với nhà dân
thì thực hiện cơ chế khuyến khích thực hiện giải pháp này. Ông cũng yêu cầu TP
phải giảm nhanh và đi đến chấm dứt sử dụng nước ngầm.
Trước đó, báo cáo tại
hội nghị, ông Tất Thành Cang, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, cho biết
đến nay TP đã xử lý được 43/58 điểm ngập do mưa và khắc phục được 23/26 điểm
ngập do triều cường. Theo ông Cang, trong đợt triều cường kết hợp mưa vào giữa
và cuối tháng 10 này, có 19 tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu 0,1-0,44m.
Trong số các điểm ngập này, có năm điểm ở đường Đặng Nguyên Cẩn, Chợ Lớn, Tân
Hóa (Q.6), Xa lộ Hà Nội (Q.2), Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) là nằm ngoài danh mục 58
điểm ngập do mưa và 26 điểm ngập vì triều cường.
Ông Cang cho biết
các dự án ODA về chống ngập ở vùng trung tâm TP đã cơ bản hoàn thành giai đoạn
1, còn dự án Tân Hóa - Lò Gốm sẽ hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, ông dự báo
nếu không có những giải pháp ứng phó với triều cường thì tình hình ngập trong
những năm sắp tới chắc chắn sẽ không mấy khả quan, kể cả vùng trung tâm khi đã
xây dựng hoàn thiện hệ thống cống.
Về giải pháp, ông Tất
Thành Cang cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án
để hoàn thành chỉ tiêu xóa bảy điểm ngập trong năm 2013, còn trong năm
2014-2015 sẽ xóa 14 điểm ngập...Ông Cang cũng đề nghị Sở Quy hoạch - kiến trúc
TP cùng các cơ quan chức năng xác định, công bố cốt nền xây dựng phù hợp với
tình hình biến đổi khí hậu. Đồng thời nghiên cứu ban hành ngay các quy định về
phát triển đô thị kết hợp với mạng lưới hồ điều tiết tại chỗ để tái sử dụng
nước mưa...
Trình bày tờ trình về
chương trình hành động nói trên của Thành ủy TP, ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ
tịch UBND TP, nêu ra nhiều giải pháp về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu,
tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó, nhấn mạnh giải
pháp rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch; xây dựng những quy định, tiêu chí
về quy hoạch đô thị đáp ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường quản
lý quỹ đất, bảo đảm diện tích mặt nước, hệ thống sông rạch phục vụ tiêu thoát
nước và chống ngập nước, nhất là đối với các vùng trũng tự nhiên để tăng không
gian điều tiết nước, quản lý chặt quỹ đất nông nghiệp...
(Theo TTO)
tinmoitruong.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét