Các nhà nghiên cứu về
môi trường ở Hà Tĩnh cho rằng: Nguồn nước ngầm ô nhiễm từ các giếng nước không sử dụng phân hủy các hợp chất hóa học, các hữu cơ trong
địa tầng, địa chất sinh ra hợp chất Nitơ hòa tan vào trong nước ngầm. Tại các
giếng không sử dụng, người dân còn vứt rác, xác động vật và rất nhiều vật dụng
khác, khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường nước trầm trọng.
Nguồn nước nguồn tại Hà Tĩnh rất dồi dào, chỉ cần khoan
hoặc đào với độ sâu vừa phải là có thể lấy nước sử dụng. Tuy nhiên, các giếng
khoan sử dụng một thời gian thì bị hỏng hoặc do đô thị
hóa, người dân đã chuyển sang dùng hệ thống nước máy tập trung, bỏ dần các
giếng nước. Từ đó, các giếng bị bỏ hoang, không được bảo quản nên để cạn nước,
phèn hoặc các chất thải bẩn xâm nhập. Đặc biệt, tại các địa phương hay bị ngập
lụt, các giếng khơi thường bị ngập nước lũ, không được xử lý gây ô nhiễm nước
ngầm, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, đây còn là những ổ bọ gậy, loăng quăng dễ
phát tán thành dịch bệnh truyền nhiễm.
Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 1.446 giếng không sử dụng; trong đó có 1.123
giếng đào, còn lại là giếng khoan. Trong số này có 127 giếng không xác định
được chủ nhân. Tất cả những giếng này đã bị hư hỏng, xuống cấp, nguồn nước ở
giếng bị nhiễm phèn, ô nhiễm. Các giếng đào còn trở thành những điểm vứt rác
thải.
Ông Phan Quốc Lập, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hương Khê cho biết:
Hương Khê có 106 giếng đào và giếng khoan không sử dụng. Hàng năm, địa phương
hứng chịu nhiều đợt lũ, lụt nên nước bùn, rác bẩn tràn vào các giếng. Các giếng
lại không được người dân thau rửa nên rất ô nhiễm và ảnh hưởng đến sinh hoạt
đời sống của nhân dân. Huyện rất muốn lấp các giếng này song không có kinh phí
hoặc do một số vấn đề khách quan khác.
Đa số người dân các địa phương đều đồng tình với việc trám lấp các giếng không sử dụng này song một số già làng, trưởng bản, người
cao tuổi lại cho rằng các giếng làng là nơi giữ long mạch cho làng, không được
trám lấp.
Tại các huyện có số lượng giếng bỏ hoang nhiều như: Hương Sơn, Đức Thọ, Kỳ Anh,
Thạch Hà, người dân đều đồng tình với việc lấp các giếng này vì nó không còn có
lợi cho đời sống dân sinh. Trước đây, các giếng này được người dân sử dụng, lấy
nước sinh hoạt, tưới tiêu nhưng bây giờ đã có nước sạch sinh hoạt và có hệ
thống kênh mương để dẫn nước tưới tiêu nên các giếng này bị bỏ hoang. Nhiều vụ
tai nạn đuối nước thương tâm đã xảy ra ở các giếng làng bỏ hoang. Người dân
mong muốn được lấp những giếng này.
Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn (huyện Đức Thọ) Trần Nam Trung nói: Đề nghị cấp
trên hỗ trợ kinh phí để trám lấp hàng chục giếng không sử dụng trên địa bàn chúng tôi vì nó không còn phục
vụ đời sống dân sinh. Hiện tại, xã Trường Sơn có hàng chục giếng đào và giếng
khoan bỏ hoang, hàng năm nước lũ tràn ngập các giếng này làm mùi hôi thối bốc
lên. Người dân địa phương đã tiến hành thay nước giếng, nhưng vẫn bị ô nhiễm.
Trước thực trạng các giếng nước bỏ hoang tạo thành các cửa sổ địa chất thủy
văn, trở thành nơi tiếp nhận nguồn ô nhiễm trên bề mặt dẫn xuống các tầng chứa
nước làm ô nhiễm và suy thoái chất lượng nguồn nước, Sở Tài nguyên và Môi
trường tỉnh Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch giúp các địa phương lấp các giếng nước.
Trước mắt, những giếng do các cá nhân quản lý sẽ được trám, lấp trước.
Ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết: Chúng
tôi đã có kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh xin kinh phí giúp các địa phương
trám lấp các giếng không sử dụng nhằm bảo đảm nguồn nước ngầm.
Trước thực tế môi trường nước bị ô nhiễm, nguyên nhân một phần do các giếng
nước bỏ hoang, tỉnh Hà Tĩnh cần sớm
hỗ trợ kinh phí để các địa phương trám, lấp các giếng không còn sử dụng.
(TTXVN)
tinmoitruong.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét