80% - 90% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa
bàn phải có hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn quy định; có nơi lưu chứa
chất thải và ký kết hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý. Đó là mục
tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà TPHCM đặt ra trong giai đoạn 2011 - 2013.
Tuy nhiên, mục tiêu trên đang có nguy cơ không đạt yêu cầu.
Xử lý bùn thải tại một công ty sản xuất giấy ở quận 12 Tp.HCM. Ảnh:
Kim Ngân
Thiếu thống kê danh sách doanh
nghiệp đen
Ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục Bảo vệ
môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, để thực hiện được mục
tiêu trên đã có 3/38 chương trình cần phải thực hiện. Cụ thể, phải thực hiện
điều tra, thống kê toàn diện các nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường
nước. Trong đó bao gồm tổng thể về chất lượng nước thải sinh hoạt, công nghiệp,
bệnh viện, cơ sở kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi, giết mổ gia súc, nuôi trồng
thủy sản, bãi rác; triển khai chương trình thu phí bảo vệ môi trường đối với
nước thải và xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong
công tác quản lý và bảo vệ môi trường.
Hai trong số 3 chỉ tiêu trên là công
tác thu phí bảo vệ môi trường đối với
nước thải công nghiệp và phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác
quản lý và bảo vệ môi trường thực
hiện khá tốt. Riêng mục tiêu thống kê các cơ sở sản xuất kinh doanh có khối
lượng nước thải khoảng từ 10m³/ngày đêm trở lên thì vẫn chưa thực hiện được.
Chỉ mới thực hiện điều tra, thống kê 439 nguồn thải có lưu lượng trên 50m³/ngày
đêm và một số nguồn thải công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm
trọng khác như giấy, dệt nhuộm, cao su…
Điều đáng chú ý là trong số 439
nguồn thải thống kê được, có đến 17% nguồn thải chưa đạt quy định. Và con số
này sẽ tăng lên rất nhiều nếu thống kê đầy đủ số lượng cơ sở có lượng nước thải
khoảng 10m³/ngày đêm trở lên.
Bà Nguyễn Thị Phấn, Trưởng phòng Tài
nguyên và Môi trường quận 5, khẳng định, đối tượng thường xuyên vi phạm môi
trường là những cơ sở sản xuất nhỏ nằm xen cài trong khu dân cư. Họ thường tận
dụng nhà làm cơ sở sản xuất nên không có hệ thống xử lý chất thải. Việc xử lý
cũng rất khó vì ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Việc thống kê đầy đủ số lượng doanh
nghiệp có mức xả thải từ 10m³/ngày đêm được xem là cơ sở dữ liệu chính xác để
xây dựng, đề ra những giải pháp xử lý triệt tiêu nguồn thải gây ô nhiễm. Tuy
nhiên, để làm được điều này không dễ.
Khó vì thiếu kinh phí
Lý giải thực tế này, ông Cao Tung
Sơn cho rằng, nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực cũng như kinh phí để thực
hiện điều tra thống kê nguồn thải một cách toàn diện và đồng bộ. Sở đã yêu cầu
các quận huyện rà soát, lập danh sách thống kê các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm
trên địa bàn mình. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu nguồn thải không thống nhất giữa
các cơ quan quản lý, thiếu sự chia sẻ dẫn đến công tác quản lý, cập nhật thông
tin chưa hiệu quả.
Mặt khác, phương pháp đánh giá các tiêu
chí bảo vệ môi trường đối với
các hoạt động sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn TP cũng chưa được xây
dựng. Kết quả là có những cơ sở xét theo tiêu chuẩn của quận này thì gây ô
nhiễm nhưng ở quận khác thì không hoàn toàn như vậy. Điều này buộc sở phải có
công tác thẩm định trước khi chốt danh sách cơ sở gây ô nhiễm trình UBND TP phê
duyệt nhưng để làm được điều này cần nhất thiết phải có sự đầu tư kinh phí từ
phía thành phố. Sở đã đề xuất UBND TP cấp thêm kinh phí để thực hiện công tác
trên nhưng chưa được chấp thuận. Bản thân sở đã chủ động đề xuất thành lập
trung tâm quan trắc cấp thành phố nhằm phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát,
phân tích mẫu chất thải phát sinh trong quá trình kiểm tra nhưng cho đến nay
trung tâm mới đang trong giai đoạn xúc tiến thành lập.
Không dừng lại đó, mức thu phí nước
thải công nghiệp hiện còn thấp khiến cho nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phí
hơn là đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Mức xử phạt hành vi vi phạm môi trường
tuy cao nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể bị kiểm tra hoặc bị
phạt. Về phía cơ quan chức năng cũng đã triển khai nhiều chương trình đồng bộ
nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện chất lượng môi trường sản xuất. Điển hình
như hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho
đến nay vẫn rất ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này.
Để có thể tăng tốc nhằm đạt mục tiêu
chương trình giảm thiểu ô nhiễm đặt
ra, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai nhiều giải
pháp đồng bộ. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp thực hiện chương trình sản xuất
sạch hơn và chưa có hệ thống xử lý nước thải, tiến hành hỗ trợ bằng cách cho
vay vốn không lãi suất trong thời gian dài, khuyến khích việc đầu tư xây dựng
công trình xử lý chất thải. Đồng thời, tăng cao mức thu phí đối với các doanh
nghiệp xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép.
Đặc biệt, tiến hành điều tra toàn
diện và kiểm soát các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 10m³/ngày đêm trở
lên. Toàn bộ thông tin về những cơ sở này sẽ cập nhật lên bản đồ GIS nhằm phục
vụ cho công tác quản lý, kiểm soát các nguồn ô nhiễm chung cho toàn thành
phố. Trường hợp những doanh nghiệp cố tình tái phạm gây ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng sẽ phạt tiền và hình thức bổ sung ở mức cao nhất.
Riêng với những nguồn thải trên 1.000m³/ngày đêm, bắt buộc lắp đặt hệ thống
quan trắc tự động. Nếu các giải pháp đề xuất được tiến hành đồng bộ và hiệu quả
thì mới mong đến cuối năm 2015 mục tiêu đặt ra là có 80% - 90% cơ sở có lưu
lượng nước thải từ 10m³/ngày đêm trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt quy
chuẩn mới có thể thực hiện được.
Theo Phúc Anh (SGGP)
tinmoitruong.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét