Đợt triều cường giữa
tháng 10 vừa qua xảy ra ở khu vực Nam bộ đã khiến nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực
đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh ven biển bị ngập sâu trong nước.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, triều cường đã đạt mức 1,68m, cao nhất trong lịch sử.-Ảnh IE
Ở thành phố Hồ Chí Minh, triều cường đã đạt mức 1,68m đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn vào tối 20/10,cao nhất trong lịch sử. Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ, hiện tượng trên xảy ra do xuất hiện các tổ hợp trùng pha bất lợi, làm cho triều cường lên cao bất thường, gây ngập nhiều nơi.
Ông Nguyễn Minh Giám cũng cho biết: Tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc hệ thống sông Đồng Nai, có thể nêu ra 4 nguyên nhân dẫn đến xuất hiện triều cường lên cao gồm thủy triều trên biển Đông lên rất mạnh, mưa tại chỗ rất lớn, các hồ trên thượng nguồn xả lũ và cuối cùng là có gió Đông Bắc mạnh đổ xuống khu vực phía Nam. Tuy nhiên, theo số liệu mà Đài khí tượng Thủy văn Nam Bộ thu thập và phân tích về đợt triều cường vừa qua, yếu tố xả lũ không tác động đến triều cường lên cao (hồ Dầu Tiếng không có xả lũ, hồ Trị An xả không đáng kể). Mặt khác, trong ngày 20/10 lượng mưa ở thành phố Hồ Chí Minh rất ít, chỉ có ở trạm Xi măng Hà Tiên (Thủ Đức) đo được là 17 mm. Như vậy, hai yếu tố lũ và mưa đã không tác động đến đợt triều cường này. Yếu tố thứ 3 là thủy triều rất mạnh, tuy nhiên so với ngày trước đó (19/10), ngày 20/10 thủy triều lại thấp hơn (đo tại Vũng Tàu). Thời điểm này, gió Đông Bắc ảnh hưởng đến khu vực phía Nam tuy có mạnh nhưng đã bắt đầu suy yếu so với những ngày trước đó.
Từ những yếu tố trên, ông Nguyễn Minh Giám nhận định: Tuy gió và thủy triều không phải mạnh nhất nhưng do xuất hiện tổ hợp trùng pha giữa hai hiện tượng thủy triều và gió Đông Bắc này tạo sự cộng hưởng làm cho triều cường của thành phố Hồ Chí Minh gia tăng mực nước rất cao vào ngày 20/10, những ngày sau đó thì mực nước rút rất nhanh. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, ngoài yếu tố triều cường trên hệ thống sông Đồng Nai như đã nói trên, hiện giờ lũ trên sông Mê Kông bắt đầu xuống và thoát ra biển Đông rất mạnh. Do đó, có sự cộng hưởng giữa lũ kết hợp thủy triều mạnh làm cho triều cường ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long dâng cao và gây ngập lụt nhiều nơi.
Dự báo về diễn biến của hiện tượng triều cường trong thời gian tới ở khu vực Nam bộ, ông Nguyễn Minh Giám cho biết: Từ nay đến tháng 1/2014 (âm lịch), dự báo còn khoảng 6-7 đợt triều cường nữa. Vùng hạ lưu các sông Nam bộ sẽ chịu ảnh hưởng các đợt triều cường mạnh vào đầu các tháng 11, tháng12 và mực nước lên cao vượt mức báo động III, có khả năng gây ngập nhiều nơi. Các vùng ven biển cần đề phòng trường hợp triều cường kết hợp với gió mùa Đông Bắc gây nước dâng. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, lũ đã rút rất nhanh, tình hình ảnh hưởng lũ đã giảm đi nhiều, chỉ còn tác động của thủy triều và gió là chủ yếu.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét