Những giải pháp chắp vá tạm thời không thể
giúp TP HCM hết ngập, ngược lại chống được chỗ này lại ngập chỗ khác, năm sau
ngập nặng hơn năm trước.
Đỉnh triều chiều 20-10 tại trạm Phú An đạt 1,68 m, chiều 21-10 đạt
1,65 m - cao nhất trong vòng 61 năm qua, khiến TP HCM ngập
nặng. Tại các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Lương Định Của
(quận 2), Hòa Bình (quận 11), Bến Phú Định (quận 8)..., có nơi nước ngập sâu
gần 1 m.
Chi hàng chục ngàn tỉ để chống...
Sáng 20-10, nhiều người dân TP HCM lần
đầu chứng kiến “lũ” về TP. Sau một đêm thức dậy, đồ đạc trong nhà nổi lềnh
bềnh; tivi, tủ lạnh, máy giặt... hư hỏng nặng. Riêng khu vực quanh đường Ngô
Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) đã có hàng chục nhà
dân nước tràn vào cao gần nửa mét.
Tương tự, tại khu vực bến Phú Định, đường Hồ Học Lãm (quận 8),
Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Kinh Dương Vương, Bình Tây (quận 6)…, đường bỗng chốc
biến thành sông, hàng ngàn phương tiện bị chết máy và hư hỏng.
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (gọi
tắt là trung tâm chống ngập), riêng chiều 20-10, có 11 điểm ngập do mưa kết hợp
triều cường. Đặc biệt, trong ngày này đã xảy ra một vụ chết người do tát nước
bị điện giật.
Đường Hòa Bình (quận 11, TP
HCM) ngập sâu trong nước sau những trận mưa không thật lớn Ảnh: Tấn Thạnh
Đường Lương Đị̀nh Của, quận 2 ngập vào
tối 21-12 Ảnh: Thành Đồng
Đường Ngô Tất Tố thành sông vào tối 21-10 Ảnh: Thành
Đồng
Đỉnh triều mỗi năm một cao, từ 1,58 m năm 2011 lên 1,62 m năm 2012
và nay đã là 1,68 m. Chính phủ và UBND TP HCM đã
chi hàng ngàn tỉ đồng để chống ngập nhưng tình hình không được cải thiện do các
dự án chống ngập quy mô vẫn còn treo.
Dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến
Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 1) do trung tâm chống ngập làm chủ đầu tư với
tổng vốn gần 2.000 tỉ đồng từ ngân sách TP đến nay chưa thể đưa vào sử dụng vì
vướng mặt bằng.
Dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM (dự
án 1547) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008 do Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và trung tâm chống ngập chủ trì với tổng số vốn 50.000 tỉ
đồng (dự án này giúp kiểm soát triều, hạ thấp mức nước các trục quanh bờ hữu
ven sông Sài Gòn - Nhà Bè, kiểm soát triều ở khu vực ngã ba sông Sài Gòn - Đồng
Nai với các giải pháp xây tuyến đê bao, 13 cống kiểm soát triều lớn, cải tạo 9
trục thoát nước) nhưng phải đến năm 2017 mới có thể hoàn tất.
Dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến
Cát - rạch Nước Lên giai đoạn 2 đang được xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng
25.000 tỉ đồng.
UBND TP HCM cũng
vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung 2 dự án chống ngập vào chương
trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SP-RCC) để được ưu tiên bố trí vốn, đó
là dự án cống kiểm soát triều Vàm Thuật (tổng mức đầu tư 407 tỉ đồng) và cống
kiểm soát triều rạch Nước Lên (406 tỉ đồng).
... Nhưng chưa biết bao giờ hết ngập!
Theo trung tâm chống ngập, ngoài cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc -
Thị Nghè đã thi công gần xong, hiện đang đưa vào vận hành thử, hầu hết các dự
án khác thuộc dự án 1547 như cống kiểm soát triều rạch Tra, Vàm Thuật, rạch
Nước Lên, Bến Nghé vẫn đang chờ vốn hoặc duyệt dự án. Các tuyến đê bao và bờ
hữu ven sông Sài Gòn với tổng chiều dài 179,6 km nhưng đến nay chỉ mới thực
hiện được hơn 50,3 km vì thiếu vốn.
Khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún, thường ngập mỗi khi có mưa
lớn, đầu năm 2012, trung tâm chống ngập đã cho sửa chữa một số vị trí ống thoát
nước, lắp đặt trạm bơm. Tuy nhiên, về lâu dài, để khu vực hết ngập phải chờ nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Nếu không có biện pháp căn cơ, thời gian tới, người dân
TP vẫn tiếp tục chạy ngập Ảnh: Thành Đồng
Đối với khu vực kênh Tân
Hóa - Lò Gốm, hiện trung tâm chống ngập đang phối hợp với đơn vị thi công tiến
hành nhiều giải pháp như thông dòng chảy, tăng cường trạm bơm ở khu vực cầu Hòa
Bình, khơi thông dòng chảy dẫn nước ra cống lớn.
Tại các tuyến đường như
An Dương Vương, Kinh Dương Vương, Lương Định Của, trung tâm chống ngập sẽ tiến
hành nạo vét, thực hiện các biện pháp khắc phục trước mắt để giảm ngập. Đối với
các điểm ngập tại Quốc lộ 43, Quốc lộ 1A, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), nguyên
nhân ngập ngoài triều cường còn do nguồn nước từ các KCN ở Bình Dương về, trung
tâm chống ngập đang lên kế hoạch xây dựng hồ điều tiết để tránh ngập.
Theo ông Đỗ Tấn Long,
Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc trung tâm chống ngập, để giải
quyết dứt điểm ngập cho TP HCM phải
chờ đến dự án 1547. Trong thời gian chờ đợi, một số dự án mang tính cấp bách,
tạm thời cũng đã và đang triển khai như: lắp đặt 1.200 van ngăn triều, nâng cao
trình các bờ kè, thúc đẩy dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè… Mới đây, UBND TP HCM đã
chấp thuận cho trung tâm chống ngập và quận Thủ Đức tạm ứng 70 tỉ đồng để thực
hiện một số dự án chống ngập, chống sạt lở.
Bờ bao
bất lực
Dù đã có bờ bao kiên cố nhưng
những ngày qua, khu vực cầu Bình Triệu (quận Thủ Đức), đường Quốc Hương, Thảo
Điền (quận 2) và một số khu vực ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi cũng bị ngập nặng
do triều cường dâng quá cao khiến hầu hết bờ bao và một số công trình chống
ngập bị vô hiệu hóa.
Ngoài ra, triều cường đã đánh bể 2
đoạn bờ bao thuộc quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh khiến nhiều nhà dân bị ngập
nước, phải sơ tán tài sản, dùng máy bơm để hút nước ra ngoài.
|
Thành Đồng (báo NLĐ)
tinmoitruong.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét