Nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng ở TP Đà Lạt, tỉnh
Lâm Đồng ngày càng ô nhiễm nặng
Đến chiều tối 19-8, người đàn ông tên Tài, công
nhân vệ sinh thuộc Công ty CP Du lịch Đà Lạt, cùng 1 đồng nghiệp vẫn trầm mình
dưới mưa để vớt rác ở thác Cam Ly. Một thiết bị tự chế giống chiếc cào hến của
người dân miền sông nước được 2 công nhân cột dây kéo giăng ngang ngọn thác để
thu gom rác.
Rác ngập hồ Đan Kia
Ông
Tài cho biết mỗi ngày 2 lần, ông và đồng nghiệp kéo được gần 1 tấn rác lên bờ,
nhiều nhất vẫn là rác thải nông nghiệp và sinh hoạt. "Vì thác ở cuối nguồn
nên có vớt bao nhiêu cũng không thể gom hết được. Không kéo rác mà chỉ ngồi
trên bờ, chúng tôi cũng phải đeo khẩu trang vì mùi hôi nồng nặc" - ông Tài
phàn nàn.
Hàng
trăm năm qua, không gian thác Cam Ly quá đẹp khiến du khách hứng thú tìm đến
nhưng giờ đây chính sự ô nhiễm đã đuổi khách tham quan. Bà Nguyễn Thị Bích
Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận:
"Một khi các nguồn xả thải rác từ thượng nguồn của người dân chưa được
ngăn chặn thì tình trạng ô nhiễm nặng nề chưa thể khắc phục triệt để".
Theo
bà Ngọc, tỉnh Lâm Đồng đã có kế hoạch phối hợp với một trường đại học tại TP
HCM triển khai đề tài nghiên cứu khoa học nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm ở
thác Cam Ly. Tiếc thay, dự định hiện vẫn là... dự định.
Chúng
tôi vào một thắng cảnh khác là hồ Đan Kia - Suối Vàng. Hồ nước này là cái khung
cho bức tranh danh thắng Thung Lũng Vàng nổi tiếng. Đây còn là nơi cung cấp hơn
70% lượng nước sinh hoạt cho khoảng 250.000 người dân TP Đà Lạt và huyện Lạc
Dương. Thế nhưng, chuyện ô nhiễm cũng triền miên tồn tại từ nhiều năm.
Ông
Nguyễn Văn Dũng, Quản đốc Nhà máy Nước Suối Vàng (trực thuộc Công ty TNHH MTV
Cấp thoát nước Lâm Đồng), người dẫn chúng tôi mục kích rác ngập tràn vùng lòng hồ, nói:
"Ngày nắng gió và mùa khô thì đỡ ô nhiễm hơn nhưng hễ có mưa lớn, nước đổ
nhiều về hồ là công nhân phải vất vả vớt rác". Trên mặt nước và hai bên
dòng suối dài hơn 4 km cung cấp nước cho hồ Đan Kia, hàng loạt chai lọ thuốc
trừ sâu cùng đủ thứ rác thải từ những vùng sản xuất nông nghiệp thượng nguồn,
có cả những bộ xương trâu, heo... đổ về.
Theo
ông Dũng, tình trạng ngổn ngang rác đổ về hồ Đan Kia đã kéo dài từ năm 2008 đến
nay. Cuối năm 2008, công ty phải tự đối phó bằng một giải pháp tình thế: Ngăn
đập, ép dòng suối đổ về hướng khác nhưng lượng rác giảm không đáng kể. Vào mùa
mưa, con đập nắn dòng suối không còn tác dụng, rác lại dồn dập đổ về lòng hồ.
Một công nhân thường xuyên phải chèo thuyền đi vớt rác trên hồ Đan Kia cho
biết: "Khi mưa lớn, hơn 10 người phải chèo thuyền ra vớt nửa ngày mới giảm
được rác. Ai cũng sợ nguồn nước sẽ bị ô nhiễm".
Trung
tâm Phân tích Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Trung tâm Y tế dự phòng Lâm
Đồng đã phải thường xuyên đến hồ Đan Kia lấy mẫu nước để kiểm nghiệm. Tuy
nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dũng: "Công tác kiểm nghiệm chỉ nhằm phát hiện
kịp thời nguy cơ mà thôi, về lâu dài nếu không chặn được nguồn rác xả bừa bãi
thì chắc chắn nước sẽ bị ô nhiễm".
Các
địa điểm du lịch nổi tiếng khác
của TP Đà Lạt như hồ Than Thở, hồ Xuân Hương, thác Preen... cũng đang rơi vào
tình cảnh tương tự.
Bài và ảnh: Sơn Tùng (NLĐ)
tinmoitruong.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét