Nhiều người dân sống dọc theo quốc lộ 1K (đoạn từ Trạm
thu phí giao thông Quốc lộ 1K thuộc KP.Tân An, phường Tân Đông Hiệp đến trụ sở
UBND phường Bình Hòa, TX.Dĩ An) bức xúc phản ánh, vào những ngày nắng các xe chở
đá chạy ngang là cả đoạn đường bụi mù dày đặc. Người dân phải đóng cửa để bụi bớt
bay vào nhà, không chỉ vậy, đá trên xe tải còn văng xuống rất nguy hiểm cho người
đi đường.
Xe
tải vận chuyển đá làm
bụi bay dày đặc cả đoạn đường
Người dân ở khu vực trên đã gọi điện đến đường
dây nóng Báo Bình Dương phản ánh: Các xe tải chở đá từ các mỏ khai thác trên
địa bàn phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An thường xuyên gây
bụi bặm và làm rơi vãi đá, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng! P.V đã có
mặt tại hiện trường để xác minh: Đoạn đường trên dài khoảng 2km nhưng xe tải ra
vào tấp nập, chủ yếu vận chuyển đá khai thác từ phường Tân Đông Hiệp đi về các
hướng Đồng Nai và TP.HCM. Do xe tải thường chở đá đầy ắp nên khi lưu thông đã
làm rơi rớt nhiều đá nhỏ xuống đường; gặp trời mưa, xe tải còn lôi theo cả vệt
dài bùn đất từ mỏ đá kéo ra đường; trời nắng số bùn đất này khô lại, khi xe tải
chạy qua là
bụi mù bốc lên dày đặc (xem ảnh) và đá dưới mặt đường từ bánh xe tải cũng
bắn tung tóe, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông!
Đá dăm rơi vãi dọc lề đường
Nhiều
người tham gia giao thông ngang qua đây, mặc dù đã giảm tốc độ nhưng cũng không
khỏi loạng choạng; vì gặp rất nhiều đá dăm lởm chởm hoặc bất ngờ suýt té ngã
khi xe máy tông phải những cục đá to. Nhà ở dọc hai bên đường thì gần như đều
đóng kín cửa; thỉnh thoảng trong ngày, có xe tưới nước cho bớt
bụi nhưng xem ra cũng chẳng ăn thua! Chị Nguyễn Thị Xuân, bán tạp hóa trên
đoạn đường này than thở: “Các xe tải chở đá từ các mỏ ở gần đây thường khiến
cho bụi bay mịt mù, chúng tôi phản ánh từ các buổi họp ở khu phố
rồi lên phường thì có đỡ
bụi hơn trước rất nhiều. Mấy công ty khai thác đá ở đây cũng có cho xe tưới
nước tăng chuyến; từ chỗ 3 - 4 lần/ngày thì nay được 5 - 6 lần. Nhưng dù có
tưới nước thì cũng không hết bụi, nhất là buổi chiều
bụi bay dày đặc cả khu vực này. Để giảm thiểu tình trạng này, gia đình tôi
phải cho làm hệ thống nước phun sương để bớt
bụi bay vào hàng hóa bày bán trong nhà”.
Cũng
như chị Xuân, chị Bùi Thị Cẩm My cho biết: “Công ty cho xe tưới nước 5 - 6
lần/ngày nhưng
bụi vẫn còn nhiều; cũng có cho người quét dọn đá rơi dưới đường nhưng lại
làm vào buổi chiều nên
bụi bay càng thêm dữ; đã vậy mà đá dăm sau khi quét lại không cho dọn đi mà
lại tấp xuống cống thoát nước dọc theo lề, khiến cho mỗi khi trời mưa xuống
nước không chảy kịp, nước cống tràn lên cả mặt đường. Tôi thấy công ty nên cho
người quét đá vào buổi tối thì ít
bụi hơn và cần phải dọn sạch luôn đá rơi vãi mới ổn”. Tương tự như ý kiến
trên, chị H.T.X chỉ tay vào những viên đá nhỏ vừa quét ra và cho biết: “Đây là
những viên đá do xe tải chở chạy trên đường làm văng vào nhà tôi. Tôi thấy xe
tải chở đá đầy thùng, xe chạy qua là
bụi bốc lên, đá rơi xuống tung tóe. Hàng ngày, cho dù công ty có tưới nước
nhưng chỉ khoảng 15 phút là khô và
bụi thì cứ tiếp tục bay mù trời. Tôi mong công ty khai thác đá nên tăng
thêm việc tưới nước và chở vừa đủ, không làm đá rơi nữa”.
Trao
đổi với P.V, ông Hồ Văn Quang, Trưởng khu phố Tân An, cho biết: “Việc các xe
tải chở đá gây ô nhiễm môi trường đã được người dân phản ánh lên chính quyền
địa phương nhiều lần; phường Tân Đông Hiệp cũng đã tổ chức cuộc họp gồm Thanh
tra giao thông, Cảnh sát giao thông... và Công ty Cổ phần Khoáng sản & Xây
dựng Bình Dương, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 3-2, Công ty Cổ phần Xây dựng
Bình Dương và Công ty Cổ phần Trung Thành đang khai thác các mỏ đá trên địa bàn
để tìm cách khắc phục tình trạng này. Sau cuộc họp, các công ty trên cũng đã có
biện pháp khắc phục như: tưới nước và quét đá bị rơi nhưng tình trạng ô nhiễm
vẫn còn. Địa phương chúng tôi mong các công ty khai thác đá cần tăng thêm việc
tưới nước để hạn chế bụi; quét đá bị rơi vãi; đặc biệt kiến nghị cảnh sát giao
thông cần cho lập chốt tuần tra để phát hiện và xử lý số xe tải chở quá tải”.
Luật
khoáng sản quy định:
Tổ
chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu
thân thiện với môi trường; thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác
động xấu đến môi trường và cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp
luật. Đồng thời, tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện các giải
pháp và chịu mọi chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường. Giải pháp, chi
phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường phải được xác định trong dự án đầu tư,
báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ
quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
(Khoản
1, 2 và 3, điều 30 của chương VI; điểm d và k, khoản 2, điều 55, mục 1, chương
VIII)
(Theo Bình Dương Online)
tinmoitruong.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét