Không chỉ lấn vào diện tích rừng phòng hộ, có chủ đầu
tư dự án du lịch ở Phú Yên còn tự ý chặt cây đem bán.
Một
khu rừng phòng hộ ven biển bị triệt hạ để làm dự án du lịch - Ảnh: Đức Huy
Quy hoạch chồng chéo
Dọc biển Tuy Hòa (Phú Yên) hiện có trên 10 dự án du lịch được cấp phép. Theo quy định, việc chuyển đổi
đất rừng phòng hộ phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn
(NN-PTNT) và Bộ Tài nguyên - Môi trường. Tuy nhiên, Chi cục phó Chi cục Lâm
nghiệp (Sở NN-PTNT Phú Yên) Huỳnh Xuân Quang cho biết: “Nhiều dự án đã không
lấy ý kiến của ngành nông nghiệp để chuyển đổi mục đích. Kể cả khi UBND tỉnh ra
quyết định thu hồi rồi cũng chẳng chuyển qua chúng tôi để theo dõi nên chúng
tôi không biết”.
Mỗi cây dương liễu họ chỉ đền bù với giá 27.000 đồng, trong khi
bán ra ngoài đến hơn 100.000 đồng. Tui tức đến hộc máu vì cái chuyện này
Ông Trần Đình Quang
Ông
Quang cho biết theo quy định, việc chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ phải
đảm bảo 4 điều kiện: nằm trong quy hoạch; có dự án được duyệt; có phương án
đánh giá tác động môi trường; cơ quan cho phép chuyển đổi mục đích phải đảm bảo
trồng rừng thay thế. Thế nhưng Chi cục Lâm nghiệp không biết được báo cáo đánh
giá tác động môi trường của các dự án thế nào, có ảnh hưởng đến các khu rừng
phòng hộ bên cạnh hay không. “Đặc biệt, điều kiện cuối cùng là trồng rừng thay
thế lâu nay không được triển khai, nhưng vẫn cứ đổi mục đích sử dụng đất rừng
phòng hộ ven biển” - ông Quang nói. Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú
Yên, cũng thừa nhận lâu nay không rõ các dự án du lịch được giao đất ven biển Tuy Hòa có được chuyển
đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ hay chưa. Theo ông Nguyễn Chí Hiến, Giám
đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Phú Yên, đã có độ “vênh” trong quy hoạch
của tỉnh. “Năm 2004, tỉnh quy hoạch phát triển du lịch ven biển Tuy Hòa. Trong khi đó, ngành nông
nghiệp từ trước đây đến giờ vẫn quy hoạch nơi đây là rừng phòng hộ nên chồng
chéo” - ông Hiến nói.
“Tức
đến hộc máu”
Ông
Trần Đình Quang, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp 2 (P.9, TP.Tuy
Hòa), đơn vị quản lý rừng phòng hộ ven biển Tuy Hòa, lo ngại: “Năm 1990, đơn vị
có gần 650 ha rừng, nhưng hiện chỉ còn quản lý 212 ha, số còn lại đều giao cho
các dự án”. Ông Quang bức xúc: “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc
quản lý rừng. Nhà nước giao rừng cho nhà đầu tư, nhưng họ không xây dựng, cũng
chẳng quản lý rừng. Nhiều nhà đầu tư còn chặt rừng bán ra ngoài. Mất hết rừng là vậy”. Cụ thể,
ông Quang cho biết: Có một chủ đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng 5 ha đã tự ý phát trắng hàng ngàn cây
dương liễu lâu năm bán ra ngoài mà không được sự đồng ý của HTX. Chỉ đến khi
HTX có ý kiến lên tỉnh thì nhà đầu tư này mới chịu dừng việc đốn hạ rừng. “Mỗi
cây dương liễu họ chỉ đền bù với giá 27.000 đồng, trong khi bán ra ngoài đến
hơn 100.000 đồng. Tui tức đến hộc máu vì chuyện này” - ông Quang nói.
Ông
Nguyễn Chí Hiến cho biết: “Ngành chức năng đang rà soát toàn bộ các dự án du lịch dọc tuyến biển Tuy Hòa. Đối với các dự án chưa
đóng tiền ký quỹ, thì chúng tôi thông báo trong vòng 2 tháng phải đóng tiền ký
quỹ, nếu không sẽ thu hồi. Đối với những dự án đã triển khai một phần, cũng
phải xác định được lộ trình đầu tư với các mốc thời gian cho việc khởi công
những hạng mục chính cụ thể, chứ không phải tường rào, nền móng. Nếu không xác
định được, chúng tôi sẽ đề nghị xem xét thu hồi, không thể để dây dưa thêm
nữa”.
Đức Huy (báo Thanh niên)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét