Tại Thừa Thiên - Huế, đất ngập mặn vùng đầm phá
ven biển trước đây có diện tích rất lớn nhưng hiện còn lại rất ít, chủ yếu ở
vùng Rú Chá, xã Hương Phong (huyện Hương Trà); xã Cảnh Dương và đầm Lập An, thị
trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc); xã Tân Mỹ (huyện Phú Vang). Nguyên nhân là do
người dân trong vùng tự do khai thác cây ngập mặn lấy chất đốt, lấy đất làm ao
nuôi thủy sản, xây dựng hệ thống đê bao ngăn mặn…
Để tái tạo lại diện tích rừng ngập mặn, góp phần
thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá ven
biển, vừa qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ môi
trường cho người dân, đồng thời phối hợp với tổ chức Quỹ quốc tế bảo vệ thiên
nhiên (WWF) xây dựng vườn ươm cây ngập mặn để phục hồi lại diện tích rừng đã
mất. Với tổng kinh phí tài trợ trên 710 triệu đồng, WWF hỗ trợ xây dựng dự án
trồng cây ngập mặn, thực hiện trong ba năm (2012 -2014) tại vùng Rú Chá, xã
Hương Phong (thị xã Hương Trà), một số vùng ở đầm phá Tam Giang và ven bờ sông
Hương. Đến nay, dự án đã gieo ươm được 23.000 cây ngập mặn phát triển rất tốt,
tỷ lệ cây sống đạt khá cao.
Dự tính, với số cây đã ươm trên, tỉnh Thừa Thiên
- Huế sẽ trồng trên diện tích khoảng 20 ha, trong đó 11.000 cây tập trung, số
còn lại được trồng phân tán để bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn, đường giao
thông xung yếu, các vùng đất dễ bị xói lở và trồng từ 5 - 7 ha trên ao nuôi
thủy sản sinh thái. Bên cạnh đó, Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Thừa
Thiên - Huế đã thực hiện đề tài phục hồi và tái tạo diện tích rừng ngập mặn,
tiến hành trồng thử nghiệm nhiều loài cây ngập mặn khác nhau như sú, vẹt, đước,
mắm… với diện tích 0,5 ha cây ngập mặn, tập trung tại đầm Lập An, huyện Phú Lộc
và trồng 500 cây ngập mặn phân tán tại khu vực Tân Mỹ. Kết quả sau khi trồng
thử nghiệm, các diện tích trồng cây ngập mặn phát triển khá tốt, mở ra một cơ
hội cho việc phục hồi lại những diện tích rừng ngập mặn đã mất trên địa bàn.
Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh cũng đã đưa ra kết luận là nên trồng phục
hồi thảm thực vật ngập mặn đầm Lập An bằng các loài đước vòi, vẹt khang và mắm
quăn, còn trong các ao nuôi thủy sản thì trồng cây ngập mặn như đước vòi và vẹt
khang để xây dựng mô hình ao nuôi sinh thái.
Ông Nguyễn Trọng, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên
- Huế cho biết, nếu việc trồng rừng cây ngập mặn được mở rộng, các đai rừng
hình thành dọc bờ phá Tam Giang, ven bờ sông Hương, thì đây sẽ là nơi nuôi
dưỡng, bảo vệ ấu trùng trước những bất lợi của thời tiết, cung cấp thức ăn cho
nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế. Các bãi giống, bãi để tự nhiên cho các
loài thủy sản sẽ được hình thành. Ngoài ra, những hàng cây ngập mặn trồng trên
bờ các ao nuôi trồng thủy sản có vai trò rất lớn trong việc điều hòa nhiệt độ,
độ mặn của nước trong ao, xử lý các chất phế thải, khắc phục dần tình trạng ô
nhiễm môi trường, tăng hiệu quả nuôi trồng thủy sản.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét