Ngành Y tế Gia Lai tăng cường
các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ việc xử lý chất thải y tế theo Quyết định số
43/QĐ-BYT ngày 31/11/2007 của Bộ Y tế và Công văn số 982/MT-YT ngày 29/10/2013
của Cục Quản lý Môi trường y tế. Một trong những biện pháp hàng đầu và có tính
quyết định là đưa hệ thống xử lý chất thải y tế trở thành một trong những tiêu
chí quan trọng để được xem xét và cấp phép hoạt động, kiên quyết xử lý nghiêm
các trường hợp vi phạm.
( Ảnh minh họa )
Nhờ thực hiện tốt các biện pháp quản lý, đến nay, toàn
tỉnh có 81 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động trên
cơ sơ ký hợp đồng xử lý các loại chất thải theo đúng quy định; 100 cơ sở đã
hoàn tất các thủ tục và các đơn vị chức năng đang tiến hành kiểm tra, thẩm định
để được cấp phép hoạt động trong thời gian tới. Hầu hết các cơ sở y tế tư nhân đăng ký hợp đồng xử lý chất thải rắn
với các bệnh viện, trung tâm y tế đóng trên địa bàn. Riêng ở Bệnh viện Đa khoa
tỉnh có hệ thống xử lý chất thải rắn (2 lò đốt) song chỉ mới sử dụng hết 1/4
công suất, hàng chục cơ sở y tế tư nhân đã ký hợp đồng với Bệnh viện để xử
lý.
Tuy nhiên, hiện còn hơn
100 cơ sở y tế tư nhân trong tỉnh có giấy phép hoạt động vẫn
còn thời hạn nhưng không có hợp đồng xử lý chất thải và cố tình chây ì, kéo dài
thời gian thực hiện công đoạn xử lý môi trường.
Ông Đoàn Mạnh Thắng,
Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế tỉnh, cho biết: Đối với những trường hợp này
cũng không nằm ngoại lệ mà phải đưa vào khuôn khổ và nền nếp hoạt động. Ngành
đã thông báo cho các cơ sở này sớm tiến hành làm các thủ tục hợp đồng xử lý chất
thải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đến khi kiểm tra, nếu giấy phép vẫn
còn thời hạn nhưng không có hợp đồng xử lý thì coi như vi phạm và có hình thức
xử lý nghiêm.
Trên địa bàn tỉnh Gia
Lai có hơn 300 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, trong đó thành phố Pleiku có hơn
100 cơ sở. Các cơ sở này đã góp phần cùng Nhà nước chăm lo sức khoẻ cộng đồng.
Theo báo cáo của ngành chức năng, với số lượng cơ sở này, trước đây, bình quân
mỗi ngày thải ra môi trường hàng tạ chất thải rắn, hàng chục m3 chất thải lỏng và
gần 20% trong số đó là chất thải nguy hại.
Văn Thông ( TTXVN )
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét