Trong 2 thập kỷ qua, ngành công nghiệp khai thác của Việt Nam đã tăng trưởng
một cách mạnh mẽ. Đặc biệt, do phân cấp cho chính quyền địa phương từ năm 2005,
số lượng giấy phép khai thác khoáng sản đã gia tăng nhanh chóng. Tuy có những
đóng góp tích cực về mặt kinh tế, song ngành công nghiệp khai khoáng cũng để lại
nhiều hệ lụy về môi trường và xã hội.
Ảnh minh hoạ (nguồn:internet)
Trong cuộc Tọa đàm chính
sách về “Vai trò của các sáng kiến minh bạch trong công tác bảo vệ môi trường”,
do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức ngày 24/12, tại Hà Nội, ông Trịnh
Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm cho rằng: Khai khoáng là một trong những loại
hình công nghiệp gây nhiều tác động nhất đến môi trường và xã hội. Do đặc thù
của công nghiệp khai thác khoáng sản là không thể lựa chọn vị trí dự án, nên
một số dự án khai thác phải triển khai trong khu bảo tồn, rừng phòng hộ, hay
tại những khu vực có vị trí địa lý nhạy cảm.
Ngoài ra, hoạt động khai
khoáng còn chiếm dụng một diện tích rất lớn phục vụ cho các bãi thải và nhiều
hạng mục khác. Do đó khai khoáng thường gây tác động môi trường ở phạm vi rộng,
có thể kéo dài sau khi kết thúc khai thác. Việc xâm hại môi trường trong khai
thác khoáng sản vẫn đã và đang là vấn đề “nóng” khiến người dân trong vùng
khoáng sản bức xúc. Mặt khác, các lỗ hổng chính sách và sự yếu kém trong công
tác quản lý và thanh tra trên lĩnh vực này, cũng là nguyên nhân chính của sự
xâm hại môi trường. Vì vậy, một trong những vấn đề chính sách quan trọng cần
được bàn thảo đó là sự minh bạch công tác bảo vệ môi trường và quản trị tài
nguyên.
Đề cập về những vấn đề
bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản ở nước ta
hiện nay, ông Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam cho biết: Tác động từ hoạt
động khai thác tài nguyên khoáng sản bao gồm rừng, thủy điện, lòng đất và không
gian liên quan đến gỗ, nguồn nước, khoáng sản, đá quý và kim loại, dầu, than,
cát và các dải tần. Dẫn đến sự rủi ro của các hồ chứa nước; gây ô nhiễm nguồn
nước; mất thảm thực vật và rừng; làm biến đổi địa mạo; gây ra bụi và khí thải
và nước thải...
Đơn cử, để sản xuất 1
tấn đồng cần phải loại ra 99 tấn chất thải. Riêng các mỏ khai thác than của Tập
đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam mỗi năm thải vào môi trường tới
18,6 triệu m3 đất đá, khoảng 70 triệu m3 nước thải mỏ, làm ô nhiễm nghiêm trọng
một số vùng của tỉnh Quảng Ninh, nhất là vùng Mạo Khê, Uông Bí và Cẩm Phả. Đất
đá thải loại trong khai thác khoáng sản cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến
tác động cộng hưởng về phát thải bụi từ các mỏ, gây suy giảm môi trường không
khí do nhiễm bụi ở các khu dân cư trong vùng khai thác.
Trên các mỏ than thường
có những hàm lượng cao các nguyên tố kim loại nặng có hại như Pb, Zn, Cd,
As, Hg và các nguyên tố phóng xạ...Trên thực tế, địa phương nào có tiềm năng về
khoáng sản càng nhiều thì môi trường ở đó càng xuống cấp nhanh. Việc quản lý
hoạt động ký quỹ để cải tạo, phục hồi môi trường đối với khoáng sản chưa có đầu
mối rõ ràng và thống nhất, trong khi số tiền ký quỹ thì Quỹ bảo vệ môi trường
do địa phương quản lý hiệu quả thực hiện rất thấp.
Giáo sư Tiến sĩ Đặng
Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét: Tham nhũng môi
trường từ khai thác tài nguyên thiên nhiên đang là một yếu kém chưa có giải
pháp khắc phục hiện nay. Vì để an toàn về môi trường, khai thác khoáng sản luôn
đòi hỏi chi phí cao hơn cho môi trường làm cho việc khai thác không có hiệu quả
kinh tế, hoặc hiệu quả thấp. Đây chính là lý do chủ yếu để các nhà đầu tư tìm
mọi cách lẩn tránh các chi phí bảo vệ môi trường. Các nhà kinh tế coi đây là
“ăn quỵt” môi trường. Nếu các nhà quản lý không “vững tay” thì có thể bỏ qua,
hoặc tham gia vào phương thức này.
Vì vậy, đối với khai
thác tài nguyên, công cụ đánh giá môi trường chiến lược và công cụ đánh giá tác
động môi trường có vai trò rất quan trọng, gần như là công cụ duy nhất để quản
lý tác động môi trường trong khai thác tài nguyên thiên nhiên. Công cụ này cần
tới một môi trường chính sách-pháp luật hợp lý, hệ thống thể chế-tổ chức chặt
chẽ, khả năng khoa học-công nghệ cao, nhận thức toàn diện và đầy đủ từ mọi phía
về môi trường. Trong đó điểm mấu chốt trong quản lý đánh giá tác động môi
trường là hãy trao quyền quyết định cho cộng đồng.
Văn Hào (TTXVN)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét