Theo các kết quả quan trắc từ năm 2005 cho đến nay,
mức độ ô nhiễm đô thị phát sinh từ bụi, không khí, kênh rạch, rác thải, nước thải
từ các cơ sở sản xuất,…đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trên
địa bàn TP.HCM.
Rác thải, ngập nước và ô nhiễm kênh rạch là những thách thức lớn
đối với TP.HCM trong những năm gần đây
Sở
Tài nguyên Môi trường TP cho biết, kết quả quan trắc ô nhiễm không khí giao
thông, nồng độ bụi được nghiên cứu tại TP.HCM đang dao động ở
mức từ 0,38-0,93 mg/m3; 100% giá trị quan trắc bụi tại các tuyến đường giao thông chính không
đạt QCVN 05:2009/BTNMT. Chỉ riêng giai đoạn 2005 – 2012, nồng độ bụi có xu hướng giảm tại các trạm quan trắc
(Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ, An Sương, Gò Vấp), nhưng đến nay
lại có xu hướng phức tạp dần. Theo Sở Tài nguyên Môi trường TP, hoạt động giao
thông vận tải là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm tiếng ồn trên các tuyến đường
trên địa bàn thành phố. Về môi trường nước, các kết quả quan trắc cũng thống kê
nồng độ BOD, COD và độ mặn có xu hướng tăng nhanh từ năm 2005 – 2008 và thay
đổi mạnh trong giai đoạn gần đây.
Trước nhiều thách thức mới trong quản lý ô nhiễm môi trường đô thị, từ năm
2000, TP.HCM đã xây dựng và đưa vào hoạt động mạng lưới quan trắc chất lương
không khí, nước mặt, nước dưới đất. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng tăng cường công
tác quản lý và bảo vệ môi trường, di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô
nhiễm tại các khu công nghiệp và vùng phụ cận, quản lý chất thải rắn y
tế;…phát động phong trào "Toàn dân hành động vì đường phố không rác”; Năm
văn minh đô thị và bảo vệ môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn,…
Từ năm 2005, TP.HCM cũng đã ban hành 27 văn bản quy phạm pháp luật về môi
trường để điều chỉnh kịp thời các vấn đề bất cập về quản lý môi trường trên
thực tế. Tuy nhiên, thành phố nhìn nhận các văn bản quy phạm pháp luật về bảo
vệ môi trường ở trung ương chưa theo kịp diễn biến ô nhiễm ngày càng phức tạp,
đặc biệt là xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe.
Ông Võ Tuấn Nhân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của
Quốc hội đánh giá, một trong những biện pháp nổi bật của TP.HCM trong ứng phó
với các thách thức mới của đô thị trong thời gian qua là hoàn thành bước đầu dự
án kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè với vốn đầu tư gần 300 triệu USD. Dự án đã góp
phần quan trọng chấm dứt được vấn nạn ô nhiễm kéo dài, tạo mỹ quan đô thị. Tuy
nhiên, ông Nhân cũng nhìn nhận công nghệ xử lý nước thải ở TP.HCM vẫn
còn lạc hậu. Để hạn chế tác động ô nhiễm của các dự án xử lý chất thải tới sinh hoạt
của người dân, thời gian qua thành phố đã đóng cửa 4 bãi chôn lấp theo kế
hoạch, gồm Đông Thạnh (45 ha), Gò Cát (25 ha), Phước Hiệp 1 (16 ha) và bãi chôn
lấp số 1A (9,7 ha). Bù lại, thành phố đã thực hiện quy hoạch và chuyển các bãi
chôn lấp và xử lý chất thải sinh hoạt, ra
các khu vực ngoại thành, xa khu dân cư. Ngoài ra, theo kế hoạch, đến năm 2015
thành phố sẽ có thêm một dự án đốt rác phát điện khác sẽ đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, thành phố cũng bàn hướng xã hội hóa đấu thầu công tác thu gom vận
chuyển rác đô thị. Theo quy hoạch, quận Bình Tân và quận Tân Phú được phép cho
thực hiện đấu thầu dịch vụ này, bước đầu tạo nền tảng, cơ sở pháp lý cho việc
xã hội hóa công tác quản lý rác ở thành phố.
Với nhiều giải pháp đa dạng, cho đến nay nhiều chỉ tiêu bảo vệ môi trường của
thành phố đã có chiều hướng tích cực, dù diễn biến còn tương đối phức tạp. Theo
ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, hiện nay 3 vấn đề môi trường đô
thị cần phải giải quyết có trọng tâm, trọng điểm, gồm: rác thải, nước thải và ô nhiễm
kênh rạch. Đặc biệt, thành phố đã quyết liệt thực hiện di dời các cơ sở sản
xuất ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành trong hơn 10 năm qua, với hơn 1.300 cơ
sở vùng nội thành (tập trung tại các quận 5, 6, 11) đã được di dời đến các khu
công nghiệp. Ông Tín cho biết, đối với một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tồn
tại trong khu vực nội thành sẽ được thành phố lên kế hoạch tiến độ thực hiện di
dời cụ thể trong thời gian tới. Ngoài ra, thành phố cũng lên kế hoạch tăng diện
tích cây xanh, mặt nước, hạn chế san lấp kênh rạch, sông; tăng diện tích phúc
lợi công cộng phục vụ cộng đồng dân cư khi xây dựng các khu đô thị mới và chỉnh
trang đô thị.
Theo Đại Đoàn Kết
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét