Đó là cảnh báo được đưa ra tại hội thảo "Định
hướng các giải pháp quản lý tài nguyên nước mặt TP Đà Nẵng trong bối cảnh biến
đổi khí hậu" do UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Viện chuyển đổi Môi trường và
Xã hội (ISET, Hoa Kỳ) tổ chức ngày 26/7.
Đây là hội thảo khởi động dự án
"Nghiên cứu đánh giá tài nguyên nước của TP Đà Nẵng trong bối cảnh biến
đổi khí hậu" được triển khai thực hiện từ nay đến tháng 10/2014 với tổng
kinh phí dự kiến hơn 9,5 tỷ đồng (gần 450.000 USD, trong đó 431.620 USD là kinh
phí do Quỹ Rockefeller tài trợ, phần còn lại là vốn đối ứng của TP Đà
Nẵng).
Hoạt động của nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4 ở thượng nguồn sông Thu
Bồn đang gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng cho Đà Nẵng vào mùa khô
(Ảnh: HC)
Theo bà Ngô Thị Lệ Mai, đại diện
ISET tại Việt Nam, mục tiêu của dự án là đánh giá tổng thể hiện trạng về trữ
lượng và chất lượng tài nguyên nước mặt của Đà Nẵng nhằm xây dựng giải pháp quy
hoạch, quản lý tài nguyên nước đáp ứng nhu cầu phát triển và thích ứng với biến
đổi khí hậu của thành phố. Văn phòng Biến đổi khí hậu TP Đà Nẵng (CCCO) sẽ là
cơ quan chủ trì, điều phối và triển khai các hoạt động của dự án với sự hỗ trợ
kỹ thuật và giám sát của ISET.
Thông tin từ hội thảo cho hay, bình
quân mỗi ngày Đà Nẵng - trung tâm kinh tế có vai trò trọng yếu của khu vực miền
Trung - sử dụng 200.000m3 nước sạch. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế, các nhà
quy hoạch đều thừa nhận Đà Nẵng sẽ phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng liên
quan đến nguồn nước trong các thập kỷ tới do sự phát triển kinh tế và gia tăng
dân số, do nhu cầu sử dụng nước ở khu vực thượng nguồn và do các hiểm hoạ về
khí hậu.
Đặc biệt, hoạt động các nhà máy thuỷ
điện, khai thác khoáng sản, cơ sở sản xuất ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn
đã gây thiếu nước và ô nhiễm nguồn nước ở vùng hạ lưu, nhất là Đà Nẵng. Theo dự
báo của một nghiên cứu do JICA thực hiện năm 2010 được đưa ra tại hội thảo cũng
chỉ ra rằng nguồn cung nước sạch của Đà Nẵng
sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu vào năm 2015 và chỉ đáp ứng
dưới 50% nhu cầu vào năm 2025.
Vì thế, hội nghị ngày 26/7 đã tập
trung vào 4 chủ đề chính: Nhận diện các thách thức về tài nguyên nước của Đà
Nẵng; Tình trạng gây ô nhiễm môi trường liên quan đến nguồn nước thượng nguồn
sông Vu Gia, Thu Bồn; Các giải pháp hiệu quả trong vận hành các công trình thuỷ
lợi, thuỷ điện; Trao đổi cách tiếp cận về quản lý tài nguyên nước liên vùng,
liên tỉnh.
Bà
Ngô Thị Lệ Mai bày tỏ hy vọng dự án sẽ giúp nâng cao năng lực cán bộ và nhân
viên Đà Nẵng trực tiếp tham gia dự án và giúp những người nghèo trong số
200.000 dân sinh sống tại lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, Cu Đê có thể tiếp cận
tốt hơn với nguồn nước sạch. Đồng thời các kết quả của dự án sẽ hỗ trợ Ngân
hàng Phát triển châu Á (ADB) trong việc triển khai giai đoạn 2 của dự án cấp
nước của ADB tại Đà Nẵng.
Theo Infonet
tinmoitruong.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét