Cuối năm 2012, Đan Mạch đã chính thức bắt tay với Việt Nam phát triển phong điện- thêm một có hội để cuộc chinh phục gió trời của nước ta sớm thành công.
Chúng
tôi có mặt trên công trình xây dựng Nhà máy Điện gió Bạc Liêu lớn nhất,
nhì khu vực Đông Nam Á vào những ngày cuối tháng 5 lịch sử này. Khí thế
lao động của tập thể cán bộ, công nhân, kỹ sư tất bật, tất cả vì mục
tiêu nhanh chóng hoàn thành những công đoạn cuối cùng, để kịp hoàn thành
“sứ mệnh” lịch sử hòa lưới điện quốc gia vào chiều ngày 29/5/2013.
*Những cỗ máy đồ sộ trên biển
Cuối
năm 2012, Đan Mạch đã chính thức bắt tay với Việt Nam phát triển phong
điện – thêm một cơ hội để cuộc chinh phạt gió trời của nước ta sớm thành
công. Năm qua, có thể nói là một năm sôi động nhất từ trước tới nay
trong lĩnh vực phát triển phong điện với 10 cối xay gió khổng lồ mọc lên
từ biển Bạc Liêu và hàng chục dự án khác đang manh nha tại nhiều tỉnh
thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày
2/10/2012, turbine gió thứ 10 công trình điện gió tỉnh Bạc Liêu được
lắp đặt thành công. Đó là một sự kiện đối với chủ đầu tư cũng như nhân
dân và chính quyền tỉnh này. Hàng ngàn người dân từ các tỉnh lân cận đã
đến xem để được tận mắt chứng kiến một sự thật khó tin tại vùng đồng
bằng sông nước Cửu Long.
Nhà
đầu tư điện gió Bạc Liêu, ông Tô Hoài Dân - Chủ tịch Hội đồng quản trị,
kiêm Tổng giám đốc Công ty Công Lý phấn khởi: “Đến giờ này thì chúng
tôi có thể khẳng định năng lượng gió là tiềm năng lớn của Việt Nam nói
chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Và đã đến lúc, tức là chúng
ta đã có đủ điều kiện để tiến hành khai thác nó”. Đến ngày 9/9/2010, Nhà
máy Điện gió Bạc Liêu, nhà máy điện gió thứ hai của Việt Nam chính thức
khởi công với qui mô lớn hơn nhà máy điện gió Bình Thuận. Dự án xây
dựng trên diện tích 500 ha đất bãi bồi ven biển, có tổng vốn đầu tư
khoảng 4.500 tỷ đồng, với 62 turbine gió, công suất thiết kế 99MW, tương
đương với sản lượng điện khoảng 400 triệu kwh/năm.
Điều
đặc biệt đối với điện gió Bạc Liêu là vị trí đặt các cỗ máy xay gió
thuộc vùng đất đầm lầy ven biển, nơi gần như không thuộc đất sản xuất
của dân cư, người dân gần như không bị ảnh hưởng bởi dự án. Điều đó đã
mở ra một cơ hội phát triển điện gió rất lớn cho cả nước nói chung và
đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
* Dàn trận đón gió
Sự
thành công bước đầu của điện gió Bạc Liêu đang mở ra hướng phát triển
mạnh mẽ lĩnh vực điện gió cho các nhà đầu tư và chính quyền các địa
phương. Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long đang manh nha hàng chục dự án
điện gió. Nối tiếp thành công này, tỉnh Bạc Liêu đã được Chính phủ phê
duyệt mở rộng dự án điện gió lên 10 turbine gió. Tại Sóc Trăng, theo kế
hoạch sẽ xây dựng 4 nhà máy điện gió, thuộc các huyện Vĩnh Châu, Trần
Đề, với tổng công suất 300MW. Huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh cũng
đang xúc tiến đầu tư nhà máy điện gió với công suất 200MW. Từ tháng
3/2012, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương, hiện nhà
đầu tư đang triển khai những phần việc đầu tiên…
Tháng
10/2011, Ngân hàng xuất nhập khẩu Hoa Kỳ đã chính thức ký cam kết cho
Việt Nam vay 1 tỷ USD để tài trợ cho các chương trình phát triển điện
gió tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong năm năm 2011 – 2015. Ngày
8/11/2012, nhà sản xuất turbine gió lớn nhất thế giới Vesta đã ký thỏa
thuận hợp tác trong công tác lập kế hoạch và phát triển các nhà máy điện
gió tại Việt Nam với Công ty Công lý. Quan hệ hợp tác này được thực
hiện dưới sự bảo trợ của cơ quan hợp tác phát triển thuộc Bộ ngoại giao
của Đan Mạch, mở đầu thời kỳ hợp tác giữa hai nước trong việc phát triển
năng lượng xanh. Ở giai đoạn đầu của quan hệ hợp tác trên được xác định
sẽ thực hiện việc nghiên cứu chung tiềm năng điện gió của Việt Nam, môi
trường kinh doanh lĩnh vực này (giai đoạn đến 2013 hoàn tất các nghiên
cứu). Trên cơ sở kết quả những nghiên cứu này, Vesta cùng các nhà đầu tư
Việt Nam xác lập chiến lược phát triển các nguồn năng lượng gió hiệu
quả tại Việt Nam.
Trước
đó, ngày 26/9/2011, Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư
phát triển lĩnh vực điện gió (theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg), với nhiều
nội dung khuyến khích phát triển điện gió tầm quốc gia và các địa
phương. Với nhiều sự hỗ trợ đặt biệt từ Nhà nước và cơ chế pháp lý khá
thoáng, các nhà đầu tư điện gió Việt Nam có thể nói đang như diều gặp
gió. Xem ra, trong một tương lai không xa, các bờ biển lộng gió của Việt
Nam sẽ là nguồn cung cấp năng lượng điện dồi dào.
Ông
Tô Hoài Dân cho biết thêm: trong chương trình đánh giá về năng lượng
cho Châu Á, Ngân hàng Thế giới đã có một khảo sát chi tiết về năng lượng
gió khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo đó, trong bốn nước
được khảo sát thì Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc
gia lân cận là Thái Lan, Lào và Campuchia. Trong khi Việt Nam có tới
8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ “tốt” đến “rất
tốt” để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn thì diện tích này ở Campuchia
là 0,2%, ở Lào là 2,9%, và ở Thái-lan cũng chỉ là 0,2%. Tổng tiềm năng
điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW tức là bằng hơn 200 lần công
suất của thủy điện Sơn La hiện nay.
Nếu
xét tiêu chuẩn để xây dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ cho phát
triển kinh tế ở những khu vực khó khăn thì Việt Nam có đến 41% diện tích
nông thôn có thể phát triển điện gió loại nhỏ. Con số này với Campuchia
là 6%, Lào 13% và Thái Lan là 9% .
Sự
thành công của dự án trên đang tạo niềm tin, động lực mới giúp Đảng bộ
và nhân dân Bạc Liêu thêm tự tin vươn lên trong thời kỳ mới, quyết tâm
thực hiện được mục tiêu và khát vọng sớm đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh khá
trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
TTXVN
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét