TT
- Nhiều năm nay, sông Tiền phải gồng mình hứng chịu nước thải chưa qua
xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn của các bệnh viện lớn ở Tiền Giang như:
Bệnh viện Đa khoa trung tâm, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Đa khoa khu vực
Cái Bè, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy...
Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang đã quá tải nhiều năm nay - Ảnh: Thanh Tú
Trong khi đó, ngành y tế Tiền Giang giải thích việc này “nhẹ hều”: do thiếu tiền đầu tư.
Mỗi năm xả hơn 194.000m3 nước thải độc hại
Theo kết luận của thanh tra tỉnh Tiền Giang, mỗi năm Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang xả hơn 194.000m3 nước thải chưa xử lý đạt tiêu chuẩn ra sông Tiền. Tính trung bình mỗi ngày bệnh viện này xả thải khoảng 533m3.
Theo
thanh tra, trước đây bệnh viện này xây dựng hệ thống xử lý nước thải
căn cứ vào kế hoạch 650 giường bệnh, nhưng thực tế số bệnh nhân điều trị
nội trú bình quân lên đến 850-900 người/ngày. Ngoài ra, mỗi bệnh nhân
luôn kèm theo 1-2 người nuôi bệnh nên tính ra có tới 2.000 người/ngày.
Do đó lượng nước thải ra hằng ngày từ bệnh viện khoảng 533m3.
Trong khi đó hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện chỉ đáp ứng 300m3/ngày.
Đó là chưa kể hệ thống xử lý nước thải đưa vào sử dụng năm 2000, nhưng
từ năm 2005 đến nay thường xuyên bị hư hỏng do quá tải. Dù được sửa chữa
nhiều lần nhưng hệ thống xử lý nước thải cũng không đạt tiêu chuẩn. Một
số chỉ tiêu quan trọng của nước thải xử lý không đạt và cứ thế xả ra
sông Tiền nhiều năm nay.
Ngoài
ra, một số khu vực khác của bệnh viện như: nhà làm việc sở y tế cũ,
khoa nội A, căngtin, nhà giặt không được đấu nối vào hệ thống xử lý nước
thải chung mà xả riêng ra sông. Theo kết luận của thanh tra, Bệnh viện
Đa khoa trung tâm Tiền Giang đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn
nước mặt, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người
dân.
Trao
đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Văn Minh, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa
trung tâm Tiền Giang, cũng cho rằng do bệnh viện quá tải và hệ thống xử
lý nước thải của bệnh viện đã hoạt động hơn 20 năm nên lạc hậu, xuống
cấp. Còn theo bác sĩ Võ Thị Chín - giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, sở biết
chuyện này và đã báo lên tỉnh từ lâu nhưng “do chưa có kinh phí nên
không thể giải quyết được”.
Hàng loạt bệnh viện vô tư xả thải ô nhiễm
Cũng
theo bác sĩ Võ Thị Chín, một số bệnh viện lớn khác ở Tiền Giang đang
trong tình trạng hệ thống xử lý nước thải bị quá tải. Đó là Bệnh viện Đa
khoa Cái Bè, Bệnh viện Đa khoa Cai Lậy, Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò
Công, Trung tâm Y tế huyện Tân Phước...
Bệnh viện Đa khoa Cái Bè tuy mới được xây dựng gần đây nhưng hệ thống xử lý nước thải chỉ có công suất 50m3/ngày
cho khoảng 100 giường bệnh. Trong khi hiện nay công suất của bệnh viện
này đã nâng lên 200 giường bệnh. Trung bình mỗi ngày bệnh viện xả thải
khoảng 160m3, nhưng khả năng xử lý chỉ được 100m3.
Hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm Y tế huyện Tân Phước có công suất xử lý 10m3/ngày, trong khi lượng nước thải của trung tâm trung bình 50m3/ngày. Còn toàn bộ lượng nước thải của Bệnh viện Đa khoa Cai Lậy khoảng 240m3/ngày
được cho vào ao chứa có lục bình nên cũng không thể đạt chuẩn. Riêng
Bệnh viện Mắt tại TP Mỹ Tho cho đến nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước
thải (do chưa có kinh phí và quỹ đất để xây dựng) nên nước thải từ bệnh
viện này được xả thẳng ra sông. “Giải pháp là chờ khi nào tỉnh xây dựng
bệnh viện AIDS thì sẽ đấu nối với hệ thống nước thải của Bệnh viện Mắt
xử lý luôn” - bác sĩ Chín nói.
Tính chung các bệnh viện ở Tiền Giang mỗi ngày xả ra khoảng 1.800m3 nước thải, nhưng chỉ có thể xử lý được 1.000m3.
Theo bác sĩ Chín, ngành y tế đã nhìn thấy thực trạng này và đã xây dựng
các dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải để đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ
kinh phí. Vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã đồng ý tài trợ 42 tỉ đồng xây
dựng bốn hệ thống xử lý nước thải ở các bệnh viện Cái Bè, Cai Lậy, Bệnh
viện Đa khoa khu vực Gò Công và Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang.
Theo dự án, sau khi xây dựng xong thì hệ thống xử lý nước thải của Bệnh
viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang sẽ đạt công suất 700m3/ngày, Bệnh viện Cai Lậy 350m3/ngày, Bệnh viện Đa khoa Cái Bè 150m3/ngày và Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công 300m3/ngày. Dự kiến các dự án sẽ hoàn thành trong năm 2013.
Đổ hóa chất vào nước thải trước khi xả ra môi trường
Bác
sĩ Võ Thị Chín cho biết trong khi các dự án xử lý nước thải mới chưa
được thi công, ngành y tế chỉ đạo các bệnh viện phải đổ hóa chất vào
nguồn nước thải trước khi xả ra môi trường. Theo bác sĩ Chín, đây chỉ là
giải pháp tình thế nhưng cũng xử lý được khoảng 80% lượng nước thải
bệnh viện, hơn là xả thẳng ra môi trường không qua xử lý.
NGỌC HẬU
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét