Theo ông Bùi Kế Nhàn, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài
nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sông Thị Vải và sông Dinh
trước đây bị ô nhiễm nặng vì hầu hết nước thải từ các khu công nghiệp
trên địa bàn chưa qua xử lý đều đổ thẳng ra sông.
Tuy nhiên, gần đây, nhiều khu công nghiệp đã có nhà máy xử lý nước thải
tập trung nên chất lượng nước sông Thị Vải, sông Dinh được cải thiện.
Cụ thể như khu công nghiệp Đông Xuyên (thành phố Vũng Tàu) có 66 doanh
nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo giàn khoan, chế biến
hải sản… đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất
3.000 mét khối/ngày, có thể xử lý nước thải cho tất cả 66 doanh nghiệp.
Hay dự án Nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp Phú Mỹ 1 (giai đoạn
1) ở huyện Tân Thành cũng vừa đi vào hoạt động. Với công suất 2.500 mét
khối/ngày, nhà máy này đang xử lý nước thải cho 36 doanh nghiệp đóng
trong khu công nghiệp. Theo ông Nhàn, giai đoạn 2 của dự án Nhà máy xử
lý nước thải khu công nghiệp Phú Mỹ 1 có công suất 1.500 mét khối/ngày
cũng đang được triển khai.
Do đặc trưng khu công nghiệp Phú Mỹ 1 là khu công nghiệp nặng - tập
trung các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực thép,
khí, điện, đạm, phân bón… nên nếu không có hệ thống xử lý nước thải đạt
chuẩn thì môi trường trong khu công nghiệp cũng như sông Thị Vải sẽ bị ô
nhiễm nghiêm trọng, theo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng
Tàu.
Theo ông Nhàn, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 14 khu
công nghiệp, trong đó có 8 khu đã đi vào hoạt động thì 5 khu đã đầu tư
nhà máy xử lý nước thải tập trung gồm: Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2, Phú Mỹ 1,
B1 - Tiến Hùng và Đông Xuyên.
Ba khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung là B1
Conac, Phú Mỹ 2 và Cái Mép. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong 3 khu công
nghiệp này đều có hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Riêng Công ty Posco
nằm trong khu công nghiệp Phú Mỹ 2 có 2 nhà máy xử lý nước thải với công
suất 7.200 mét khối/ngày.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét