Theo Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai, kết quả quan trắc môi trường
đất tính đến cuối năm 2013 cho thấy, chất lượng đất luôn đạt yêu cầu phù hợp với
mục đích sử dụng, chưa thấy dấu hiệu suy thoái đất do tác động của công nghiệp
và nông nghiệp đến môi trường đất. Tuy nhiên ở một số vị trí tiếp nhận nguồn thải
của một số khu công nghiệp, và một số vị trí thuộc khu vực phụ cận bãi chôn lấp
chất thải trên địa bàn tỉnh có một vài thông số kim loại nặng vượt quy chuẩn
cho phép, bên cạnh đó diễn biến từng khu vực cũng còn nhiều nơi bắt đầu tiềm ẩn
những dấu hiệu gây ô nhiễm .
( Ảnh minh họa )
Về khu vực đất công nghiệp, qua kết quả quan trắc cho thấy đối
với vùng chịu ảnh hưởng bởi hoạt động công nghiệp cho thấy đất tại vị trí quan trắc (hầu hết được bố trí tại
các vị trí tiếp nhận nước thải của các khu công nghiệp) có giá trị pH nằm trong
khoảng từ rất chua đến trung tính; nhóm chỉ tiêu kim loại nặng cho
thấy (Cu, Pb, Cd, As) ở hầu hết các vị trí quan trắc đều có hàm lượng rất thấp,
trong ngưỡng giới hạn cho phép. Bên cạnh đó cũng phát hiện thấy vị trí có tiềm
ẩn nguy cơ ô nhiễm cao tại vị trí tiếp nhận nước thải của khu công nghiệp Hố
Nai (có hàm lượng Cu, Zn, ở mức cao vượt từ 1,06 đến 1,5 lần, có xu hướng giảm so với đợt I trong
năm) và khu công nghiệp Biên Hòa 1 (có hàm lượng Zn; Pb ở mức cao vượt từ 3,43;
2,72 lần so với QCVN 03:2008/BTNMT quy định mức giới hạn của Cu là 100 mg/kg;
Zn là 300 mg/kg; Pb là 300 mg/kg).
Tuy nhiên, theo Trung
tâm quan trắc Sở Tài nguyên môi trường, qua kết quả quan trắc ở các khu công
nghiệp vẫn còn 6 nơi tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng và một số chất khác
cao. Bao gồm: nơi tiếp nhận nguồn nước thải của Khu công nghiệp Hố Nai (huyện
Trảng Bom); Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) và 4 khu xử lý chất thải,
gồm: Trảng Dài (TP.Biên Hòa), Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), Túc Trưng (huyện Định
Quán), Quang Trung (huyện Thống Nhất). Tại Khu công nghiệp Hố Nai, hàm lượng
đồng, kẽm vượt quy chuẩn cho phép của Việt Nam từ 1,06 -1,5 lần. Còn tại Khu
công nghiệp Biên Hòa 1, hàm lượng đồng trong đất vượt từ 2,7-3,4 lần. Trong 4 khu xử lý chất
thải còn phát hiện asen, crom, đồng vượt tiêu chuẩn từ 1,1- 4,2 lần.
Còn ở khu vực phụ cận
bãi chôn lấp chất thải rắn cho thấy, đối với đất ở vùng có nguy cơ ô nhiễm bởi chất thải rắn
(khu vực phụ cận) tại 9 vị trí có hàm lượng các kim loại nặng như: Pb, Zn, Cd,
Cu đều có giá trị trong giới hạn cho phép của quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên,
một số vị trí quan trắc có hàm lượng Asen vượt quy chuẩn cho phép như: khu xử
lý chất thải rắn phường Trảng Dài, khu khu xử lý chất thải rắn xã Vĩnh Tân và
khu xử lý chất thải rắn xã Túc Trưng phát hiện hàm lượng As đã vượt QCVN
03:2008/BTNMT lần lượt là 1,05;4,12;1,27 lần và riêng vị trí xử lý chất thải
rắn xã Quang Trung, đồng (Cu) có hàm lượng cao hơn 1,5 lần so với QCVN
03:2008/BTNMT (quy định mức giới hạn của Cu là 70 mg/kg). Đối với hai kim loại
Ni, Cr tại vị trí thuộc khu vực phụ cận bãi chôn lấp xã Quang Trung có hàm
lượng khá cao 135; 376 mg/kg.
Nhìn chung hoạt động
chôn lấp chất thải rắn trên địa bàn tỉnh tại hầu hết các vị trí quan trắc chưa
phát hiện có ảnh hưởng đến môi trường đất đối với các khu vực xung quanh.
Tại 27 vị trí quan trắc
khu vực đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết có hàm
lượng dinh dưỡng khá cao. Tuy nhiên, nhiều vị trí không có sự cân đối giữa hàm
lượng lân và kali, giữa đạm và cacbon hữu cơ trong đất. Riêng nhóm đất nâu tập trung tại xã Xuân Hòa ( huyện Xuân Lộc)
nghèo dinh dưỡng, hàm lượng chất hữu cơ, nitơ và phốt pho và kali đều thấp. Giá
trị pHH2O, pHKCl của đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng thấp,
kết quả phân tích cho thấy hầu hết các điểm quan trắc thuộc nhóm đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có tính chua đến trung tính. Do đó, để khai thác sử dụng đất có hiệu quả cần phải có biện pháp bổ sung cân
đối tỷ lệ chất dinh dưỡng cho đất như bón phân bổ sung hàm lượng lân, hàm lượng
đạm và hàm lượng kali phù hợp với từng loại đất để khai thác có hiệu quả. Hóa chất bảo vệ thực
vật đều có hàm lượng thấp đạt ngưỡng cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN
15:2008/BTNMT).
Riêng khu vực đất nền chất lượng môi trường đất tại hầu hết các vị trí quan trắc Vườn quốc gia
Cát Tiên; Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai; Lâm trường Tân Phú và
Rừng ngập mặn Long Thành đều khá giàu dinh dưỡng, hàm lượng hữu cơ, đạm, lân,
kali tổng số ở mức cao đến giàu dinh dưỡng, do đó chất lượng đất ở các vị trí này phù hợp với mục đích phát triển và
bảo vệ rừng.
Kết quả quan trắc tại
các vị trí thuộc khu vực đất chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động dân sinh như:
Quảng trường tỉnh, Công viên thị Trấn Long Thành, Vườn cây Dầu – phường Xuân An
– TX.Long Khánh và Sân golf Long Thành – Tp.Biên Hòa, hàm lượng các thông số
kim loại nặng quan trắc đều ổn định qua các năm, có giá trị trong ngưỡng giới
hạn cho phép đối với đất phục vụ cho mục đích dân sinh theo quy chuẩn
Việt Nam (QCVN 03:2008/BTNMT).
TTXVN
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét