Lũ về bất chợt, nhiều gia đình chỉ kịp bế con trẻ chạy ra đường, số khác cõng các cụ già leo lên xà nhà dỡ ngói ngồi vẫy tay cầu cứu lực lượng cứu hộ. Trong vòng ít giờ, nhiều tài sản gồm lúa gạo, trâu bò, tiền bạc... bị nhấn chìm.
"Lũ về đã lấy sạch rồi", bà Lê Thị Liên, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) mếu máo bên căn nhà ngập sâu trong lũ. Ảnh: Lê Hoàng.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu siêu bão Wutip, từ tối ngày 30/9 đến 1/10, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rất lớn, có nơi lượng mưa đo được lên đến gần 800 mm. Vượt quá khả năng tích nước nên nhiều hồ đập lớn như hồ Đồng Đáng, đập Thung Cối (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) và hồ Vực Mấu (Nghệ An) đã bị vỡ.
Vỡ đập, nước lũ tràn về lúc rạng sáng khiến người dân vùng hạ du không kịp trở tay. Trong vòng vài giờ đồng hồ, hàng nghìn hộ dân ở huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) và huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) chìm trong biển nước. Giao thông trên tuyến quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam qua đây bị tê liệt hoàn toàn.
Lệnh di dân khẩn cấp cũng được ban bố. Lực lượng công an, quân đội được huy động nhằm cứu người mặc kẹt trong vùng lũ. Trên những mái nhà, những cánh tay giơ cao cầu cứu trong khắc khoải, âu lo...
Đến chiều 2/10, nước lũ cơ bản đã rút, người dân đi sơ tán đã kịp trở về nhà, tuy nhiên mọi đồ đạc sinh hoạt, lương thực của họ đều bị lũ cuốn trôi hoặc hư hỏng nặng. Dịch bệnh vùng rốn lũ cũng đang có nguy cơ bùng phát rất cao.
Vẻ mặt phờ phạc, ngồi bệt giữa hiên nhà ngổn ngang đống đồ đạc ướt sũng, anh Phùng Văn Thanh, thôn Trường Sơn, xã Trường Sơn, huyện Tĩnh Gia kể, khoảng hơn 1h sáng 1/10, nước lũ bắt đầu ngập dần từ phía sân nhà. Chủ quan cho rằng nước sẽ không lên cao, anh Nam chỉ kê sơ bộ bàn ghế rồi vào nhà tiếp tục nằm nghỉ. Hơn tiếng sau, đang ngủ thiếp thì anh nghe nhiều tiếng khóc của trẻ con, tiếng người la hét lẫn trong tiếng chó sủa vang lên liên hối khiến anh tỉnh giấc.
“Nhìn nhanh xuống sàn nhà, tôi thấy dòng nước ngầu đục đã ngập gần đến vai giường. Rồi nước mỗi lúc dâng cao hơn, chỉ trong vòng vài chục phút, ngôi nhà nhỏ đã ngập hơn mét khiến mọi người hoang mang lo lắng. Gác vội vài cái chăn lên trần nhà, tôi hối thúc các con dậy rồi nhanh chân lao ra khỏi nhà, tránh dòng nước lũ đang cuồn cuộn rất hung dữ”, anh Nam hồi tưởng lại thời khắc lũ về.
Mọi vật dụng trong nhà của cả nghìn hộ dân vùng rốn lũ Tĩnh
Gia bị hư hại, nhiều thứ không thể sử dụng. Ảnh: Lê Hoàng
Chỉ một đêm, “thủy thần” đã cướp mất của gia đình anh Thanh toàn bộ trâu, bò, lợn gà, hơn 3 sào lúa chưa kịp thu hoạch cũng đang chìm trong nước. “Tài sản của gia đình chỉ trông chờ vào mấy con trâu, bò, giờ đã trôi sạch theo nước lũ, không biết mai đây lấy chi mà sống”, người đàn ông lo âu nói.
Cụ Nguyễn Xuân Khang (80 tuổi, xã Tân Trường) cho biết, suốt mấy chục năm rồi, vùng này mới lại chứng kiến trận lũ lớn như vậy. “Thật khủng khiếp, đời tôi mấy chục năm chưa bao giờ thấy trận lũ lớn như vậy”, cụ Khang nói và cho biết, đêm đó, rất may cụ được bộ đội đưa xuồng vào dỡ ngói ứng cứu nếu không đã bỏ mạng rồi.
Cùng các con lội vào căn nhà nước còn ngập quá đầu gối, bà Lê Thị Liên (50 tuổi, trú thôn 5, xã Tân Trường) vừa khóc. Người đàn bà kể trong khóe mắt đỏ hoe, đêm qua, nước lũ dâng gần lút nóc nhà bà. Tiếc của, bà vừa khóc vừa loay hoay gói ghém đồ đạc đem treo lên trần mà nước ngập ngang cổ lúc nào không hay. Đến khi nước dâng cao, bà mới leo lên xà nhà, tay run run dỡ mái ngói nhưng không thể thoát ra.
“Lúc đó, tôi nghĩ chỉ còn chờ chết. Đúng lúc tuyệt vọng, nước ngập gần nóc nhà thì may mắn có xuồng của đoàn cứu hộ đến cứu”, bà Liên kể.
Gia đình bà Liên là hộ dân đặc biệt khó khăn. Chồng bà Liên mới mất, bà phải một mình nuôi 4 con nhỏ đang tuổi ăn học, gia đình đang đứng trước bộn bề khó khăn, đặc biệt là đồ ăn thức uống, chăn màn đều bị nước cuốn trôi, 4 đứa con bà Liên hiện không còn sách vở để đến trường...
Ở ngôi nhà gần đó, bà Lan đang mang mấy mảnh bì ra hiên nhà trải phơi mớ gạo ướt. Bà Lan bảo, gia đình chẳng còn gì ngoài mớ gạo này nên ngay khi trở về nhà, bà vội đem ra phơi mong cầm cự được ngày nào hay ngày ấy.
Theo thống kê ban đầu, địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất ở huyện Tĩnh Gia là xã Tân Trường. Có đến hơn 290 hộ dân bị ngập sâu, 120 ha lúa chuẩn bị thu hoạch, nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị nhấn chìm trong nước.
Rạng sáng 1/10, hồ Đồng Đáng một trong những hồ thủy lợi lớn nhất huyện Tĩnh Gia bị vỡ khiến hàng trăm ngàn khối nước đổ xuống hạ du nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà. Ảnh: Lê Hoàng
Theo ông Nguyễn Trọng Năm, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, đây là trận lụt lịch sử trong vòng 30 năm qua. “Khoảng 2/3 trâu bò, lợn, gà... của người dân đã bị nước cuốn trôi, nhiều tuyến đường thôn, xã bị hư hỏng nặng. Ước tính thiệt hại ban đầu tại xã Tân Trường khoảng gần 60 tỷ đồng".
"Chúng tôi đang huy động toàn bộ nguồn lực để khắc phục hậu quả. Đặc biệt quan tâm đến các hộ đói nghèo trong xã để có phương án hỗ trợ kịp thời, không để dân vùng lũ bị đói rét. Mì tôm, nước uống sẽ được phát tận tay các gia đình", ông Năm nói.
Hiện, hàng chục gia đình nằm ở vùng trũng của huyện Tĩnh Gia vẫn chưa thể trở về nhà vì nước còn ngập cao cả nửa mét. Trưa nay, quốc lộ 1A đoạn qua huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai và huyện Tĩnh Gia đã thông xe trở lại, tuy nhiên các phương tiện lưu thông rất khó khăn do mặt đường bị sạt lở, thu hẹp.
Theo thống kê của UBND huyện Tĩnh Gia, tính đến ngày 2/10, trận lũ vừa qua đã khiến 4 hồ đập trên địa bàn bị vỡ, hơn 1.260ha lúa, 507ha diện tích nuôi trồng thủy sản ngập sâu trong nước lũ, hàng chục vạn con trâu bò, lợn, gà... bị cuốn trôi. Hơn 1.000 hộ dân ở các xã Trường Lâm, Tùng Lâm, Tân Trường, Trúc Lâm, Hải Thượng, Hải Hà... bị ngập. Ngoài ra, 4 chiếc tàu bị chìm, hư hỏng, hàng nghìn mét đường giao thông, nhiều cột điện bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại khoảng 135 tỷ đồng.
Lê Hoàng
vnexpress.net
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét