Thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su của
Chính phủ, tỉnh Gia Lai đã phát triển được 28.300 ha cao su, nâng tổng diện
tích cao su hiện có trên địa bàn hơn 100.000 ha, nhiều nhất vùng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã xảy ra nhiều bất cập, đến nay chưa
được xử lý dứt điểm.
Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai còn nhiều bất cập -Ảnh IE
Theo đánh giá của UBND
tỉnh Gia Lai, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân được giao quỹ đất trồng cao su đều chưa thực hiện đúng cam kết về
trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc cùng góp phần chăm lo đến đời sống
cộng đồng dân cư trên địa bàn. Tiếp nhận lao động người dân tộc tại chỗ vào làm
công nhân cao su trong các đơn vị được coi là khâu yếu nhất,
gần như hầu hết các đơn vị còn chưa "mặn mà" với công tác này bởi
năng suất lao động của họ làm không cao.
Theo quy định, cứ 5 ha cao su trong
thời kỳ kiến thiết xây dựng cơ bản thì phải tiếp nhận 1 lao động quản lý và
chăm sóc. Như vậy, với hơn 28.000 ha cao su mới trồng này cần đến 5.600 lao động mà ưu tiên trước
hết là lao động dân tộc tại chỗ. Thế nhưng, các doanh nghiệp bước đầu cũng mới
tuyển dụng được chưa đến 2.000 lao động vào làm công nhân dài hạn, trong đó số
lao động dân tộc chỉ có khoảng 1.000 lao động. Gần 4.000 lao động khác thì các
doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng mang tính chất thời vụ. Việc đầu tư xây dựng cơ sở
hạ tầng nội vùng dự án của một số doanh nghiệp cũng chưa thật sự quan tâm, hoặc
có đầu tư nhưng còn tạm bợ về nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, trạm xá, nước sinh
hoạt...
Theo đó là các chế độ
chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội khác cho người lao
động cũng chưa được thực hiện đầy đủ và kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ đến đời
sống và tâm lý của người lao động.
Việc nợ đọng tiền mua gỗ của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su vẫn
còn kéo dài, với tổng số tiền nợ hiện nay lên đến gần 9 tỷ đồng; đã có một số
vụ khởi kiện từ các Ban Quản lý rừng phòng hộ đối với một số doanh nghiệp còn
chây ì đối với số tiền nợ lớn và toà án đã tiến hành xét xử nhưng song vẫn chưa
có chiều hướng chuyển biến tích cực. Một số vụ đã chuyển lên cấp độ xét xử phúc
thẩm, như Công ty TNHH MTV Minh Thành có số tiền nợ mua gỗ lên đến gần 4 tỷ
đồng.
Ngoài ra, việc "mua - bán" một số dự án trồng cao su giữa các doanh nghiệp hiện nay cũng
đang có chiều hướng diễn ra khá phức tạp, làm cho tình hình tồn đọng càng thêm
nặng nề. Chẳng hạn như Công ty TNHH 30/4 đã giao toàn bộ dự án hơn 2.000 ha cao su được
tỉnh cấp đất chuyển đổi tại địa bàn xã Ia Pnol (huyện biên giới
Đức Cơ và xã Ia Ga (huyện Chưprông) cho Công ty kinh doanh Xuất khẩu Quang Đức
quản lý với tổng giá trị hơn 90 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Sinh, Chủ tịch Hội
đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH 30/4, đây là một hình thức "góp
vốn kinh doanh" bởi đơn vị còn nhiều khó khăn về vốn để tiếp tục đầu tư.
Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Gia Lai đã xác định những tồn tại trong việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su là
một trong số 13 vấn đề nổi cộm để tập trung giải quyết dứt điểm trong thời gian
tới. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo cho UBND tỉnh và các ngành chức năng quan
tâm chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm để sớm khắc phục các
khuyết điểm, hạn chế về vấn đề này.
(TTXVN)
tinmoitruong.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét