Người dân mất trắng mùa màng, nhà cửa có nguy cơ bị vùi lấp bởi việc thi
công cẩu thả của Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite
Ông Võ Huỳnh - Bí thư Đảng ủy xã Phước Thành, huyện Tuy Phước,
tỉnh Bình Định - cho biết gần 1 tuần qua, lãnh đạo xã đã liên tục kiến nghị lên
huyện, tỉnh có biện pháp can thiệp trước việc Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite
(Bình Định) khai thác đá ở núi Hòn Chà gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm
ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ô nhiễm môi trường trầm trọng
Từ Quốc lộ 1A men theo núi Hòn Chà đến xóm 4, thôn Cảnh An, xã
Phước Thành chỉ hơn 5 km nhưng đi xe máy phải mất hơn 1 giờ. Nhiều đoạn đường
bùn ngập hơn nửa bánh xe, phải lội bộ. “Lâu rồi dân ở đây không còn mang giày
dép. Dù có đám tiệc cũng chỉ có thể đi ủng bởi bùn ngập thế này, giày dép nào
chịu nổi” - bà Trương Thị Huệ vừa dẫn đường vừa chỉ những mảnh ruộng, vườn bị
bùn ngập đỏ giờ đã bỏ hoang.
Hai năm qua, kể từ ngày Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite được UBND
tỉnh Bình Định cấp phép khai thác đá granite ở phía Tây núi Hòn Chà thì đời
sống của gần 70 hộ dân xóm 4 sống ở chân núi rơi vào cảnh túng quẫn. Nhà bà Huệ
có 5 sào ruộng ở cánh đồng Hóc Cổng nhưng giờ đã bỏ hoang. Vườn nhà rộng hơn 1
sào nhưng cũng chẳng nuôi trồng gì được khi bùn ngập quá đầu gối. “Cả đàn gà
hơn 50 con kéo nhau đi ăn rơi hết xuống bùn, giờ chẳng còn con nào” - bà Huệ
rầu rĩ nói. Cánh đồng Hóc Cổng rộng khoảng 20 ha song thưa thớt chỉ vài thửa
ruộng trên cao còn có thể trồng lúa, số còn lại thì người dân nơi đây cho biết
“cỏ mọc còn không nổi nói chi là lúa”.
Lúa sống không nổi khi bị bùn đất tràn ngập các mảnh ruộng
Để khai thác đá, Công ty
TNHH Hoàn Cầu Granite đã cho xe cơ giới moi lòng núi và đổ đất tràn lên sườn
núi. Khi mưa lớn, lớp đất này bị cuốn tràn xuống chân núi, lấp hết ruộng vườn,
nhà cửa của người dân. Chưa hết, số bùn đất thải ra trong quá trình khai thác
của công ty này cùng với 2 công ty khác đang khai thác ở phía Bắc núi Hòn Chà
là Công ty CP Khoáng sản và Năng lượng An Phú và Công ty TNHH Phú Tài đã đổ
tràn xuống sông Hà Thanh. “Dòng sông này đã cạn đi nhiều rồi. Cứ đà này, sông
cũng sẽ chết” - ông Nguyễn Văn Chẻn, xóm trưởng xóm 4, thôn Cảnh An, nói. Nguy
hiểm hơn cả vẫn là việc các giếng nước sinh hoạt của người dân xóm 4 cũng bị
bùn đất, bột đá và hóa chất (dùng để phá đá) từ trên núi tràn vào, không thể sử
dụng được. Mặc dù Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite chữa cháy bằng cách hỗ trợ
người dân khoan 12 giếng bơm nhưng khi bơm lên, nước đục ngầu, không thể sử
dụng.
Đánh cược mạng sống
Ở lưng chừng chân núi
Hòn Chà, Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite đã đào những cái hố sâu để chứa bùn
thải, phần lớn đã lấp đầy. Theo nhiều người dân ở đây, các hồ bùn ấy là những
cái bẫy chết người. “Các hố bùn lấp đầy trông bình thường như đám ruộng sình.
Người qua lại không biết, lỡ sa chân xuống đó thì coi như mất mạng” - bà Nguyễn
Thị Kim Oanh (60 tuổi, ngụ xã Phước Thành) bức xúc. Mới đây, 2 con bò của ông
Nguyễn Tấn Phùng và ông Nguyễn Văn Bảy trong khi đi ăn đã rơi xuống hố bùn ngập
cả đầu, chỉ còn ló lỗ mũi. May mắn, những đứa trẻ chăn bò phát hiện kịp thời
nên cứu được. Hiện người dân nơi đây không dám cho trẻ chăn bò ở núi Hòn Chà.
Điều mà người dân lo sợ
hơn cả là nguy cơ sạt lở núi, đá trong quá trình khai thác. Núi Hòn Chà đang bị
moi rỗng ruột để lấy đá có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa
mưa lũ. “Mấy đêm nay, tôi cứ nơm nớp, không tài nào chợp mắt được khi nghe đá
lăn ầm ầm trên núi. Lo quá, tôi phải gửi con cháu sang sống nhờ nhà người quen.
Từng ngày, từng giờ, người dân đánh cược mạng sống của mình” - bà Nguyễn Thị
Đan, một người dân, kể. Chịu không nổi, mới đây, hàng chục người dân ở xóm 4,
thôn Cảnh An cũng đã kéo nhau lên núi Hòn Chà chặn xe không cho Công ty TNHH
Hoàn Cầu Granite tiếp tục khai thác. “Thế nhưng, đợi chúng tôi mỏi mệt kéo về,
họ lại tiếp tục làm” - trưởng xóm Nguyễn Văn Chèn nói.
Theo ông Võ Huỳnh, khi
bắt đầu khai thác đá ở Hòn Chà, Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite cam kết sẽ bảo vệ
môi trường nhưng thực tế thì làm ngược lại. Trong suốt quá trình khai thác đá,
không chỉ môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà cuộc sống của người dân địa
phương cũng bị đảo lộn. “Tỉnh cho khai thác nhưng xã thì thấy không ổn. Xã
không có thẩm quyền xử lý mà chỉ có thể kiến nghị cấp trên kiểm tra, xử lý
trong khi huyện, tỉnh cứ giải quyết dở dở ương ương” - ông Huỳnh nói.
Dừng khai thác nếu không khắc phục
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình
Định, cho biết sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng lực lượng Cảnh sát
Môi trường tỉnh gấp rút kiểm tra quá trình khai thác của Công ty TNHH Hoàn Cầu
Granite. “Nếu công ty tiếp tục làm ảnh hưởng môi trường và không khắc phục hậu
quả, tỉnh sẽ rút giấy phép khai thác” - ông Lộc khẳng định.
Hồng Ánh(báo NLĐ)
tinmoitruong.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét