Trứng treo đầu gậy
Hồ Núi Một (xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn) xây dựng năm 1978, được sửa chữa, nâng cấp một lần vào năm 2000. Với sức chứa 110 triệu mét khối, cung cấp nước tưới cho 6.000ha đất nông nghiệp, đây là một trong những CTTL trọng điểm phía nam Bình Định. Núi Một nay “xếp hàng” trong nhóm 42 hồ đập có nguy cơ xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Xuân Phú - Chi cục phó CCTL, ĐĐ - PCLB - mô tả: “Bờ trái máng phun hạ lưu tràn xả lũ bị xói lở, gây mất ổn định tường tràn và má; cống lấy nước có ống thép luồn bên trong bị rạn; van côn rò rỉ lưu lượng 20 - 50 lít/giây...”.
Tại huyện Hoài Ân, số lượng hồ chứa rệu rã lên đến 11 đơn vị. Hồ Phú Khương (tưới 150ha) mái thượng lưu đập chưa gia cố đã bị sạt, nước thấm qua thân, cửa cống không thể đóng kín. Đập Đá Bàn nước cũng thấm thân, cống bậc thang rò rỉ. Ở huyện Phù Mỹ, đập Hội Khánh (tưới 700ha) hầu như thấm chảy... toé loe từ trên xuống dưới, cả thân, nền đập lẫn cống lấy nước.
“Thương tật cũ vá víu chưa xong, hư hại mới đã lù lù xuất hiện” - Chi cục trưởng CCTL, ĐĐ - PCLB Bình Định Phan Xuân Hải cám cảnh. Ông Hải, ngày 24.9 cung cấp cho PV Lao Động kết quả phân loại mới nhất: 18/42 công trình (CT) bị tổn thương thân đập; 13 CT “có vấn đề” ở cống lấy nước; 17 CT có tràn xả lũ biến dạng trầm trọng. Ngoài ra, hàng loạt điều kiện an toàn khác cũng đang bị uy hiếp: Cầu công tác lún, nứt; hành lang xả lũ không được quy hoạch hoặc bị lấn chiếm...
Ông Hải nói: “Chúng tôi đã đề xuất hàng loạt giải pháp cấp bách, bao gồm không tích nước trong năm 2013 đối với hai hồ Hố Cùng (Phù Mỹ), Suối Mây (Vân Canh) và gia cố tạm thời theo thứ tự ưu tiên 17 CT khác như Hóc Tranh, Đá Vàng, Núi Một, Mỹ Thuận, Hóc Xeo, Hóc Mỹ, Cự Lễ, Hội Khánh, Giàn Tranh...”.
Lửa bỏng
nước sôi thế nhưng hiệu lực khuyến cáo này tới đâu thì còn tùy thuộc vào “bầu sữa” ngân sách. Cũng tin từ CCTL, ĐĐ - PCLB Bình Định, ngay từ đầu tháng 8.2013, một nỗ lực cảnh báo nguy cơ sự cố kèm các giải pháp kỹ thuật đã được phát đi, tuy nhiên, cho đến nay, gần như toàn bộ số hồ đập khoanh vùng báo động vẫn cứ “bình chân như vại”.
Chỉ 5% số nhân lực có trình độ kỹ thuật
131/161 hồ đập ở Bình Định, theo phân hạng, là loại nhỏ, dung tích dưới 3 triệu mét khối, chiều cao dưới 15 m và được quản lý bởi các hợp tác xã hay UBND xã, huyện. Chỉ 27 hồ chứa có thông số kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 285 - 2002. Hầu hết hồ chứa đều được xây dựng từ những năm 1980 theo phương châm “nhà
nước và nhân dân cùng làm” trong điều kiện kinh phí hạn chế, kỹ thuật thô sơ, ít duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.
Càng hoang mang hơn, khi chúng được quản lý, vận hành chỉ với những nhân viên “chân lấm tay bùn”, tức những nông dân thứ thiệt chưa từng được đào tạo chuyên ngành như quy định hiện hành. Cả tỉnh hiện chỉ có 100/2000 nhân viên có trình độ trung cấp thủy lợi trở lên, phần lớn tập trung vào các công trình đầu mối thuộc Cty quản lý - khai thác các công trình thủy lợi. Số còn lại là “tay ngang”, hưởng phụ cấp trên, dưới 1 triệu đồng/ tháng.
Thu nhập còm cõi, kỹ thuật mù mờ, đối tượng phục vụ lại là những hồ đập rải rác ở vùng xa xôi hẻo lánh nên khó có thể kêu gọi sự tận tâm tận lực ở họ. Một đội ngũ như thế càng khiến bức tranh hồ đập Bình Định vốn nhiều mảng tối lại càng thêm mỏng manh trước mùa mưa bão.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét