WWF chào đón ngày Kiểm lâm Thế giới (31 tháng 7) bằng
tuyên bố sẽ tăng cường ủng hộ, đồng thời trân trọng những nỗ lực không mệt mỏi
của các cán bộ kiểm lâm trong công cuộc ngăn chặn các tội phạm về động vật
hoang dã và bảo vệ những loài và sinh cảnh quan trọng đang bị đe dọa nhất trên
thế giới. Cũng nhân ngày này, WWF kêu gọi các chính phủ các nước đẩy mạnh đầu
tư cho lực lượng tiên phong trên mặt trận bảo tồn này.
WWF
chào đón ngày Kiểm lâm Thế giới (31 tháng 7) bằng tuyên bố sẽ tăng cường ủng
hộ, đồng thời trân trọng những nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ kiểm lâm
WWF-Greater Mekong đang hỗ trợ nhằm cải thiện điều kiện làm việc và năng
lực của các cán bộ kiểm lâm tại Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan và Việt Nam; hỗ trợ
họ trong việc bảo tồn các loài đặc hữu và bị đe dọa, từ loài sao la tại Việt
Nam và Lào, hổ và voi tại Thái Lan, cho đến những cá thể cá heo nước ngọt tại Cam-pu-chia.
“Nếu không có những cán bộ kiểm lâm tận tâm và năng động, thường xuyên
làm việc trong các điều kiện khắc nghiệt và phải xa gia đình, rất nhiều loài
biểu tượng và quý hiếm của tiểu vùng sông Mekong mở rộng có thể đã biến mất,”
Tiến sĩ Thomas Gray, cán bộ Quản lý Chương trình Loài của WWF-Greater Mekong
chia sẻ. “Điển hình, trong vòng 12 tháng qua, các cán bộ tuần tra rừng tại Việt
Nam đã tháo dỡ được hơn 14.000 bẫy thú trong khu vực Trung Trường Sơn. Nếu
không có các cán bộ tuần tra, rất có thể các loài động vật đặc hữu đã mắc phải những bẫy này.”
Lực lượng Kiểm lâm, còn được gọi là cán bộ tuần tra rừng, giám sát viên
Vườn quốc gia hoặc cán bộ thực thi pháp luật, là bộ mặt của các khu bảo tồn. Họ
làm việc và xây dựng quan hệ với các cộng đồng địa phương, và thực hiện các
nghiên cứu và giám sát động thực vật hoang dã nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho
việc quản lý các khu bảo tồn. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm không phải lúc nào
cũng được trang bị đầy đủ, đào tạo hoặc được đánh giá cao. Họ thường xuyên bị
đe dọa tính mạng bởi những kẻ săn trộm có trang bị vũ khí.
Đầu năm nay tại Thái Lan, anh Taweesak Chomyong, một cán bộ kiểm lâm 33
tuổi, đã bị giết bởi một băng đảng săn trộm gỗ cẩm lai trong một cuộc phục kích
tại Vườn Quốc gia Pang Sida. Cũng tại Vườn quốc gia này, tháng trước kiểm lâm
Pitak Fonglom đã bị thương ở tay trong một cuộc đụng độ với lâm tặc và hiện
đang phải điều trị trong bệnh viện.
“Chúng tôi vinh danh sự
dũng cảm và hy sinh của các cán bộ kiểm lâm này, chia sẻ sự cảm thông sâu sắc
nhất và xin gửi lời chia buồn tới gia đình các anh,” ông Petch Manopawitr, cán
bộ Quản lý Chương trình Bảo tồn của WWF-Thái Lan phát biểu. “Không một cán bộ
kiểm lâm nào đáng phải thiệt mạng hoặc bị thương nghiêm trọng trong khi bảo vệ
các loài hoang dã. Chính phủ phải đầu tư cho sự an toàn của các cán bộ kiểm
lâm, đảm bảo rằng họ được trang bị đầy đủ thiết bị để chiến đấu chống lại những kẻ săn trộm có vũ khí. Chúng tôi cũng khẩn thiết kêu
gọi các chính phủ thiết lập các quỹ đền bù cho các gia đình kiểm lâm hy sinh
hoặc bị thương trong khi làm nhiệm vụ.”
Cùng với những nỗ lực của WWF-Thái Lan kỷ niệm ngày Kiểm lâm Thế
giới, Bà Kristie Kenney, Đại sứ Mỹ tại Thái Lan đã tới thăm Vườn Quốc gia
Kuiburi, phía Tây Nam Thái Lan để trải nghiệm một ngày bình thường của một cán
bộ kiểm lâm. “Thật xúc động khi nhìn thấy các cán bộ kiểm lâm, cộng đồng và các
đối tác quốc tế cùng sát cánh bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên quan trọng
này của Thái Lan.”
Vườn Quốc gia Kuiburi rộng khoảng 12000km2
– gần bằng diện tích của Hong Kong và là ngôi nhà của 230 cá thể voi hoang dã
cùng với nhiều loài động vật đang bị đe dọa khác như hổ, bò tót, bò rừng
banteng và lợn vòi Mylayan. Tuy nhiên, chỉ có một đội kiểm lâm bao gồm 18 cán
bộ tuần tra toàn bộ khu vực của Vườn.
“Từ năm 2010, chưa một cá thể voi nào bị
giết hại do săn bắn trộm tại Vườn Quốc gia Kuiburi, và số lượng quần thể con
mồi của hổ hiện đang trên đà phục hồi.” ông Manopawitr cho biết. “Thành công
này chỉ có thể có được nhờ những nỗ lực phi thường của các cán bộ kiểm lâm và WWF cám
ơn những anh hùng bảo tồn này.”
Hơn 120.000 người trên toàn thế giới đã
lên tiếng ủng hộ và kêu gọi chính phủ các nước còn hổ sinh sống ngoài tự nhiên
cần đầu tư hơn nữa cho những cán bộ kiểm lâm đang bảo vệ những cá thể hổ hoang dã. Để thể hiện sự ủng hộ đối với lực
lượng kiểm lâm, năm ngoái, WWF đã
phát động chương trình Cards4tigers trong ngày Kiểm lâm Thế giới. Những phản
hồi của công chúng thật bất ngờ. Rất nhiều người, từ các em học sinh cho tới những người nổi tiếng, từ các Đại sứ cho tới các Bộ trưởng,
đã gửi bưu thiếp tới các cán bộ kiểm lâm để thể hiện sự ủng hộ của mình.
“Chúng tôi cám ơn tất cả các bạn, những người đã thể hiện sự ủng hộ đối với những người anh hùng thầm lặng này trong chương trình
Cards4tigers,” Ông Mike Baltzer, Quản lý Chương trình Sáng kiến Bảo tồn Hổ của WWF nói.
“Trong ngày Kiểm lâm Quốc tế năm nay, chúng tôi xin gửi lời chào tới những người lính dũng cảm và kêu gọi chính phủ các nước còn
hổ ngoài tự nhiên giúp đỡ và hỗ trợ nguồn lực cho họ nhiều hơn nữa để bảo vệ hổ
khỏi mối đe dọa lớn nhất – những kẻ săn trộm.”
Các cán bộ kiểm lâm tại Rừng bảo tồn
Mondulkiri thuộc Khu vực Đồng bằng Đông Cam-pu-chia cám ơn mọi người đã gửi bưu
thiếp. Các chuyên gia về hổ tin rằng sinh cảnh Đồng bằng phía Đông – rừng khô
nhiệt đới tự nhiên rộng nhất Đông Nam Á – có lẽ có tiềm năng cao nhất tại châu
Á để tái giới thiệu và phục hồi quần thể hổ. “Tôi rất tự hào khi thấy nhiều
người trên toàn thế giới biết tới những công việc mà chúng tôi đang làm tại Cam-pu-chia để
bảo vệ hổ và sinh cảnh rừng.” Lean Nhor – một kiểm lâm của Mondulkiri tâm sự.
“Những thông điệp trên các bưu thiếp là nguồn cảm hứng để tôi tiếp tục công
việc này, bất chấp mọi khó khăn. Tôi cảm thấy được khích lệ để làm việc tốt hơn
nữa để bảo vệ sinh cảnh này.”
WWF thực hiện các khóa đào tạo tại chỗ cho các kiểm lâm để nâng
cao hiệu quả quản lý và thực thi pháp luật. WWF đồng
thời cũng hỗ trợ thành lập Liên đoàn Kiểm lâm châu Á (RFA) nhằm tạo ra một cộng
đồng cho các kiểm lâm, ghi nhận những công việc của họ, và kết nối với các tổ chức kiểm lâm
khác.
Nguyễn Phương Ngân, Cán bộ Truyền
thông, WWF-Việt Nam
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét