Mùa mưa đã đến hơn 2 tháng, nhưng lượng nước về các
hồ rất ít. Nhiều địa phương lo lắng nếu thời gian tới, lượng mưa không tăng thì
các hồ khó tích đủ nước phục vụ cho vụ đông - xuân tới.
Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, mưa lớn
tập trung ở nửa đầu mùa mưa. Nhưng đến thời điểm này, lượng nước về các hồ lớn
trên địa bàn tỉnh mới chỉ bằng 49-69% so với cùng kỳ năm 2012. Do đó, các hồ
đều phải tích nước, không dám xả. Tại một số vùng cao dùng nước ngầm để sản
xuất thì lượng nước về chưa nhiều so với mùa khô.
Nơi thừa, nơi thiếu
Mùa mưa ở Đồng Nai bắt đầu từ cuối tháng 4. Song từ đầu mùa đến
nay, mưa lớn chỉ tập trung tại một số khu vực thuộc TP. Biên Hòa, các huyện
Trảng Bom, Nhơn Trạch và một phần huyện Long Thành. Tại các vùng này đã nhiều
lần xảy ra ngập lụt hàng giờ liền do mưa lớn kéo dài. Còn các nơi khác trong
tỉnh, tuy có mưa nhưng lượng nước vẫn chưa đủ để phục vụ cho những vùng sản
xuất dựa vào nước mưa.
Nước về hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom) đạt 4,8 triệu m3, chỉ gần
bằng 32% dung tích của hồ.
Ông
Nguyễn Công Châu, ấp 1, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), nói: “Năm trước vào dịp này
lượng mưa khá nhiều, song năm nay mới chỉ xuất hiện mưa nhỏ nên đất đai nhiều
vùng vẫn khô hạn. Do thiếu nước nên hơn 30 hécta mía của tôi phát triển rất
chậm”.
Tương
tự, nhiều khu vực thuộc các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ từ đầu mùa đến nay lượng mưa
rất ít. “Hiện tại, nhiều giếng đào trên địa bàn xã vẫn chưa có nước. Để có đủ
nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất, nhiều hộ phải đào giếng sâu thêm hoặc
chuyển qua làm giếng khoan” - ông Phạm Trọng Thủy, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau
Xuân Bắc (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) nói.
Phó
chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên lo lắng: “Lượng nước về một số
hồ, đập trên địa bàn huyện mới xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm trước nên huyện
yêu cầu các xã dùng nước tiết kiệm. Nếu nửa cuối mùa vẫn mưa ít, các hồ, đập
không tích đủ nước thì khả năng cuối vụ mùa và vụ đông- xuân tới sẽ thiếu nước sản xuất”. Bà Tiên cũng cho biết thêm, vụ
đông - xuân năm nay được nhiều nông dân Xuân Lộc coi là vụ chính vì năng suất bắp
cao gấp gần 2 lần các vụ khác, nên nếu thiếu nước, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến
thu nhập của nông dân.
Vẫn
đang tích nước
Đồng
Nai có khoảng 10 hồ, đập lớn trữ nước phục vụ cho sản xuất tại các địa phương.
Đến nay, lượng nước về các hồ, đập chỉ đạt 14-31% so với dung tích của hồ và
bằng 49-69% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, có những hồ nước về rất ít, như:
hồ Mo Nang (huyện Vĩnh Cửu) đạt khoảng 17% dung tích của hồ, hồ Suối Vọng
(huyện Cẩm Mỹ) đạt 18%, hồ Gia Ui (huyện Xuân Lộc) đạt 29%... Vì thế, hiện các
hồ vẫn rất cạn và đang trong giai đoạn phải tích nước.
“Năm
trước, đến đầu tháng 7 nhiều hồ lớn, như: Gia Ui, Sông Mây đã trữ gần đầy, phải
xả tràn, còn các hồ khác đều đạt trên 50% dung tích của hồ. Nhưng năm nay,
lượng mưa phân bổ không đều nên đến thời điểm này nước về các hồ vẫn cạn kiệt.
Nếu thời tiết đúng như dự báo, nửa cuối mùa mưa ít thì các hồ khó mà tích đủ
nước” - ông Nguyễn Minh Kiều, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công
trình thủy lợi Đồng Nai nhận định.
Ngay
tại sông Đồng Nai, hồ Trị An và các sông suối khác, mực nước cũng thấp hơn so
với cùng thời kỳ năm 2012. Ông Võ Tấn Nhẫn, Phó giám đốc Công ty thủy điện Trị
An, cho hay: “Hiện mực nước về hồ Trị An đạt 54m, thấp hơn so với cùng kỳ. Do
đó, lượng điện phát đến thời điểm này đạt khoảng 600 triệu kWh, thấp hơn năm
trước 20 triệu kWh”. Đến chiều ngày 1-7, tổng lượng nước về các hồ lớn trên địa
bàn tỉnh đạt trên 21 triệu m3, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 khoảng 12 triệu
m3 nước.
Theo tin từ Trung tâm Khí tượng thủy
văn Đồng Nai, dự báo trong tháng 7, mực nước cao nhất ở thượng lưu sông Đồng
Nai tại Tà Lài (huyện Tân Phú) thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
(Theo Đồng Nai Online)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét