Đó là chưa kể đến thiệt hại khoảng 700 triệu USD/năm
cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tình hình vi phạm pháp
luật về bảo vệ môi trường diễn biến ngày càng phức tạp, xảy ra ở nhiều khu vực,
ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội, đời sống dân sinh. Đó là
thực trạng xả thẳng nước thải chưa qua xử lý; khai thác khoáng sản trái phép;
mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã…
Ngân hàng thế giới dự báo, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất lên tới 5,5% GDP hàng
năm nếu không có các biện pháp ngăn chặn ô nhiễm môi trường hữu hiệu.
Ống khói bức tử bầu
không khí.
Hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp với diện tích trên 80.000 ha và gần 880
cụm công nghiệp do địa phương thành lập, quản lý. Tuy nhiên, tỷ lệ các khu công
nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều khu công nghiệp
đi vào hoạt động đã lâu, nhưng phớt lờ quy định xây dựng hệ thống xử lý nước
thải.
Theo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), vi phạm pháp
luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xử lý nước thải của các doanh nghiệp hết
sức tinh vi.
Vịn vào lý do chi
phí xử lý nước thải cao, các doanh nghiệp đã trốn tránh bằng cách xây dựng hệ thống
ống thoát ngầm, lắp đặt máy bơm để xả thải ra môi trường. Họ thường xả thải vào
ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ; vận hành không đúng quy trình xử lý; một số doanh
nghiệp vận chuyển chất thải nguy hại đổ ở ngay đồng ruộng, ao hồ gần kề.
Trung tá Phạm Văn Minh, Đội trưởng Đội cảnh sát phòng chống tội phạm về môi
trường, Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, các tổ chức cá nhân hoạt động
sản xuất nhưng lại không quan tâm đến lĩnh vực môi trường, không bỏ chi phí ra
để lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Một số cơ sở có hệ thống nước xả thải
nhưng việc vận hành hệ thống đó không thường xuyên, chỉ khi có cơ quan kiểm tra
mới hoạt động.
“Nóng” không kém với việc xả thẳng chất thải ra môi trường tại các khu, cụm
công nghiệp là tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoảng sản. Những
điểm nóng có thể nhắc đến là tại khu vực miền Tây Nghệ An, Quảng Nam và Hải
Phòng.
Công an tỉnh Nghệ An cho biết, từ đầu năm 2012
đến nay đã triệt phá, xử lý gần 100 vụ khai thác trái phép các loại khoáng sản
như cát, vàng, quặng thiếc, chì, kẽm. Thực trạng này diễn ra chủ yếu ở các
huyện phía tây của tỉnh như Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.
Trong khi đó, tại Hải Phòng tình trạng khai thác cát cũng đang diễn biến hết
sức phức tạp. Cao điểm, có những lúc trên sông Văn Úc, sông Lạch Tray, sông
Luộc, sông Thái Bình có hàng chục tàu thuyền hút cát ngày đêm. Đặc biệt, tại
các khu vực cửa biển thuộc huyện Cát Hải, quận Đồ Sơn nhiều tàu trọng tải hàng
trăm tấn thường xuyên hoạt động hết công suất để tận thu cát.
Thượng tá Nguyễn Đức Đáng, Trưởng phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi
trường, Công an Hải Phòng cho biết, trên sông Văn Úc có những thời điểm có tới
hàng chục tàu thuyền hoạt động khai thác cát trái phép cùng lúc. Việc khai thác
cát trái phép đã để lại hậu quả hết sức nguy hại: Gây sạt lở đê điều đặc biệt
vào mùa mưa lũ, gây mất an toàn giao thông đường thủy, hủy hoại môi trường,
đồng thời làm phát sinh một số hành vi vi phạm pháp luật khác như mua bán hóa
đơn trái phép nhằm hợp pháp hóa đầu vào khối lượng cát đã khai thác được và
kinh doanh trốn thuế.
Nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thì có nhiều,
nhưng chủ yếu vẫn là do các
địa phương ồ ạt cấp phép đầu tư, thiếu chọn lọc và bỏ qua nhiều công đoạn thẩm
định dự án, đánh giá tác động môi trường. Trong khi đó công tác quản lý nhà
nước về lĩnh vực môi trường còn lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát; chế tài xử
phạt chưa đủ sức răn đe…
Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị: Cần có sự
liên kết chặt hơn giữa các bên có liên quan, đặc biệt là những bên có vai trò
chủ yếu trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, xử lý nghiêm các
vụ vi phạm. Trong thanh tra, kiểm tra, phát hiện tội phạm về môi trường thì
việc liên kết giữa ngành thanh tra của tài nguyên môi trường với cảnh sát môi
trường rất là quan trọng, để giải quyết, dần dần giảm thiểu vấn đề này
Theo nhận định của Ngân hàng thế giới, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất nặng nề do ô
nhiễm môi trường, lên tới 5,5% GDP hàng
năm. Đó là chưa kể đến thiệt hại khoảng 700 triệu USD/năm cho việc chăm sóc sức
khỏe cộng đồng do ô nhiễm môi trường.
Rõ ràng, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sinh
thái, đặc biệt là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tội phạm về khai thác khoáng sản
trái phép, xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường đang trở thành vấn
đề cấp bách, cần sự chung tay xử lý của các cơ quan chức năng cùng các địa
phương nơi có các doanh nghiệp hoạt động.
Huy Nam ( VOV Online)
tinmoitruong.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét