Trong thời gian gần đây, trên một số báo chí và dư
luận xã hội phản ánh mặt tiêu cực của một số công trình thủy điện tại một số địa
phương, thậm chí có những phản ứng hết sức gay gắt. Thiết nghĩ, các đơn vị chủ
đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước liên quan cần phải nghiêm túc xem xét để phát
huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của các công trình thủy điện.
Đập
tràn thủy điện Đại Ninh - Ảnh: Ngọc Minh
Nhận thức chủ trương của Đảng, Nhà nước về vai
trò, vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển các công trình thủy
điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân cả nước nói chung, địa
phương nói riêng, Lâm Đồng đã phối hợp với các cơ quan Trung ương quy hoạch hệ
thống các công trình thủy điện trên các sông lớn. Trong đó, đặc biệt là quy
hoạch hệ thống các công trình thủy điện trên sông Đồng Nai (thuộc địa phận Lâm Đồng).
Đồng thời, tỉnh đã chủ động xây dựng, phê duyệt quy hoạch các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn. Tổng công suất các
công trình thủy điện theo quy hoạch đạt trên 2.000 MW. Bên cạnh
đó, tỉnh cũng đã xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về phát triển phong
điện với công suất dự kiến đạt tới 22.000 MW.
Đến nay, trên địa bàn Lâm Đồng đã cơ bản xây dựng xong, hoạt động ổn định các công
trình thủy điện lớn, tầm quốc gia, như thủy điện Đa Nhim (xây dựng trước năm 1975), công suất
khoảng 130 MW; công trình thủy điện Đại Ninh, công suất 300 MW; công trình thủy điện Đồng Nai 2 công suất 170 MW; công trình thủy điện Đồng Nai 3, 4 công suất trên 500 MW; công
trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, công suất trên 500 MW;
đang xây dựng thủy điện Đồng Nai 5, công suất gần 200 MW; thực hiện
các bước chuẩn bị đầu tư công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, công suất 241 MW. Đồng
thời, Lâm Đồng tiến hành xây dựng nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ: Đa Dâng 2 (Đức Trọng), Đạ Khai
(Lạc Dương), ĐaSiat (Bảo Lâm), Đam Bri (Bảo Lộc), K’Rông Nô (Đam Rông). Các
công trình thủy điện được quy hoạch xây dựng đáp ứng được nhiều
mục tiêu và yêu cầu của sự phát triển. Đó là phát điện, tạo nguồn nước phục vụ
sản xuất, đời sống nhân dân; phát triển cá nước lạnh (cá Tầm, cá Hồi), các hồ
thủy điện, đã tạo điều kiện để xây dựng các khu du lịch lớn tầm cỡ quốc gia…
Trong quy hoạch, Lâm Đồng đã tính toán đến sự phát triển chung cho các tỉnh
giáp ranh như các công trình thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận - Đạ Mi, sau khi
sử dụng nước để phát điện đã phục vụ tưới cho gần 100 ngàn ha đất nông nghiệp
của tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân ở
hai tỉnh này.
Từ khi xây dựng xong các công trình thủy điện Đại Ninh và Đồng Nai 2, 3, 4 khắc phục được
tình trạng lũ lụt ở
vùng hạ du là huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên của tỉnh (trước đây, hai địa
phương này thường xuyên xảy ra lũ lụt).
Một số công trình thủy điện xây dựng trong những năm gần đây hạn chế tình
trạng khô hạn ở
vùng hạ du. Các đơn vị chủ đầu tư quản lý các công trình thủy điện phối hợp với chính quyền địa phương cơ bản
thực hiện có hiệu quả việc xả lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của nhân
dân, điều tiết nguồn nước cho sản xuất trong mùa khô hạn. Bên cạnh đó, các công
trình thủy điện góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh
tế, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp trong tổng giá trị GDP; hằng năm, đóng góp
gần một trăm tỷ đồng vào Quỹ dịch vụ môi trường rừng; đóng góp các loại thuế
gần 300 tỷ đồng cho ngân sách địa phương.
Thời gian gần đây có một số ý kiến và dư luận xã hội về việc đầu tư xây dựng
công trình thủy điện 6, 6A - đó là những ý kiến tâm huyết, trách
nhiệm, cần được nghiên cứu, tiếp thu để thực hiện đầu tư dự án tốt hơn, hiệu
quả hơn.
Với góc độ là địa phương liên quan trực tiếp tới dự án, nhận thấy đây là một
công trình thủy điện nên được tạo điều kiện để thực hiện đầu tư vì
với công suất 241 MW, nhưng diện tích chiếm đất chỉ có 372 ha, trong đó chủ yếu
là rừng trung bình, nghèo, hỗn giao, lồ ô, cây bụi, đất trống…, là dự án được
xây dựng theo cơ chế điều tiết ngày, do vậy, không tạo ra các hồ, đập lớn,
không ảnh hưởng đáng kể đến việc xả lũ cũng như khô hạn ở vùng
hạ du. Dự án này có đóng góp đáng kể vào việc đảm bảo nguồn điện cho sản xuất,
đời sống nhân dân, đóng góp quan trọng vào việc thu ngân sách, chuyển dịch cơ
cấu kinh tế huyện Cát Tiên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được quan trọng trong việc quy hoạch, xây
dựng các công trình thủy điện ở Lâm Đồng nói trên, một số chủ đầu tư còn
chưa thực hiện thật tốt công tác đền bù, giải tỏa, xây dựng các khu tái định
cư. Một vài dự án khi xả lũ còn gây thiệt hại đáng kể cho tổ chức và công dân
vùng hạ du, một vài dự án làm khô hạn ở
vùng hạ du… Thiết nghĩ, các tổ chức, doanh nghiệp, chủ đầu tư các
công trình thủy điện trong tỉnh cần nghiêm túc xem xét, rà soát
những mặt hạn chế của mình để kịp thời khắc phục, đảm bảo chủ trương của Đảng,
Nhà nước về xây dựng, phát triển các công trình thủy điện được thực hiện một cách đúng đắn, có hiệu
quả.
tinmoitruong.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét