Vận hành từ giữa năm 2009 đến nay, nhà máy xử lý nước
thải lớn và hiện đại nhất nước đã phát sinh hơn 200 lỗi kỹ thuật nhưng con số
có lẽ chưa dừng lại ở đó…
Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (Nhà máy Bình
Hưng) do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (Trung tâm chống
ngập) quản lý và Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị vận hành. Nhà máy có nhiệm
vụ thu gom xử lý nước thải của các quận 1, 3, 5, 10; công suất thiết kế giai đoạn
1 là 141.000 m3/ngày đêm nhưng hiện mới xử lý khoảng 91% công suất thiết kế.
Quá trình vận hành của Nhà máy Bình Hưng liên tục làm phát sinh mùi hôi khiến
người dân lân cận bức xúc. Nổi cộm là vào giữa năm 2012, nhà máy liên tục gặp sự
cố khiến mùi hôi phát tán trên diện rộng.
Bãi đổ bùn tạm của Nhà máy Bình Hưng tại xã Đa Phước, huyện Bình
Chánh, TP HCM
Công
nghệ độc quyền
Ngày
19-7, báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TP HCM, ông Lưu Văn Tấn - Trưởng Phòng
Quản lý nước thải thuộc Trung tâm chống ngập - cho biết nhà máy thiết kế và sử
dụng công nghệ của Nhật Bản. Sau khi xây dựng, thay vì để nhà thầu Nhật tiếp
tục vận hành với chi phí 420 tỉ đồng/năm, Công ty Thoát nước đô thị (liên kết
với một đơn vị tư vấn của Mỹ) vận hành với chi phí năm 2012 là 75 tỉ đồng, năm
2013 khoảng 100 tỉ đồng, như vậy đã làm lợi cho ngân sách hơn 300 tỉ đồng.
Cũng
theo ông Tấn, tuy ủ hở là công nghệ của Nhật song cũng khá lạc hậu và vào năm
2010, công nghệ này phù hợp với ngân sách thành phố. Từ lúc bắt đầu vận hành
đến nay, nhà máy phát sinh trên 200 lỗi kỹ thuật nhưng đã cơ bản đã xử lý được.
Dù vậy, hiện nay nhà máy vẫn còn tiếp tục phát sinh một số vấn đề bởi đa phần
thiết bị chính là độc quyền của Nhật nên phải tốn nhiều tiền để bảo dưỡng hoặc
sửa chữa. Vấn đề mùi hôi cũng chỉ xử lý được mới 20%-30% và cũng chỉ là xử lý
tạm, muốn xử lý triệt để phải có giải pháp căn cơ hơn. Do đó, giai đoạn 2 của
nhà máy nên thay đổi công nghệ.
Theo
ông Cao Trung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài
nguyên và Môi trường (TN-MT) TP, nguyên nhân chính gây mùi là khâu ủ sơ cấp do
hệ thống thu gom xử lý khí chưa bảo đảm về lưu lượng tiếp nhận. Ông Sơn đề nghị
trước mắt đơn vị vận hành khu sơ cấp nên tăng cường lượng trấu để kéo dài thời
gian phân hủy, tăng cường phun xịt chế phẩm nhằm giảm mùi hôi... Về biện pháp
căn cơ, UBND TP cần cấp kinh phí để thực hiện nâng cấp nhà sơ chế xử lý bùn,
ước tính khoảng 14 tỉ đồng.
Chi
14 tỉ đồng, liệu có hết hôi?
Ông
Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, nhận định mùi hôi ở xã
Bình Hưng giảm thực ra là vì đã chuyển sang xã Đa Phước. "Phía nhà máy cho
rằng đã tiết kiệm 300 tỉ đồng cho ngân sách nhưng phải
chăng mùi hôi hiện nay người dân phải gánh để trả giá cho việc tiết kiệm 300 tỉ đồng đó" - ông
Đông đặt vấn đề.
Hiện
nay, nhà máy mới tiếp nhận xử lý khoảng 120.000 m3 nước thải/ngày đêm mà đã gây
ô nhiễm quá nhiều, trong tương lai công suất nhà máy được nâng lên 576.000
m3/ngày đêm thì vấn đề môi trường sẽ phải xử lý ra sao? Ông Nguyễn Tấn Tuyến,
Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, nhận xét phía Nhà máy Bình Hưng chưa tích
cực tìm phương án giải quyết mùi hôi mà chỉ trông chờ vào ngân sách.
Ông
Tuyến chứng minh: Tổng diện tích nhà máy là 47 ha nhưng đến nay mới chỉ sử dụng
14 ha, nếu nhà máy linh động trồng thêm cây xanh cách ly sẽ giảm được đáng kể
mùi hôi. "Sở TN-MT cũng phải chủ động kiểm tra, phát hiện và khuyến cáo
trước cho phía nhà máy, không phải chờ người dân phản ánh mới vào cuộc. 14 tỉ đồng không lớn nhưng cũng
chẳng phải nhỏ, Sở TN-MT có bảo đảm đầu tư thêm 14 tỉ đồng sẽ giải quyết được dứt
điểm mùi hôi hay không?" - ông Tuyến nói.
Giữa
năm 2012, Nhà máy Bình Hưng bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải khu chứa bùn đã
qua tách nước và ủ. Lượng bùn tồn hơn 4.000 tấn kết hợp với công nghệ ủ bùn hở
đã phát tán mùi hôi sang các khu dân cư trong xã Bình Hưng. Công ty TNHH MTV
Thoát nước đô thị TP đã đề xuất Sở TN-MT và được chấp nhận cho sử dụng 3 ha
thuộc khu xử lý bùn Đa Phước (huyện Bình Chánh) để chứa số bùn này.
Ngày
19-7, có mặt tại bãi chứa bùn tạm của Nhà máy Bình Hưng ở xã Đa Phước, chúng
tôi nhận thấy 3 ha gần như đã phủ kín bởi những núi bùn nhưng bên dưới không có
lớp lót. "Núi" bùn này ngăn với rạch Chiếu bằng con đường đất rộng
khoảng 5-6 m, khiến người dân không khỏi lo ngại về việc bùn tràn xuống rạch
vào mùa mưa.
Đại
diện nhà máy cho biết các hố ủ bùn làm phân compost có trải vải địa kỹ thuật
vẫn đang trong giai đoạn thi công. Thừa nhận Nhà máy Bình Hưng đang sử dụng công
nghệ lạc hậu nhưng theo đại diện Trung tâm chống ngập, công nghệ này phù hợp
với "túi tiền" của TP vào thời điểm đầu tư dự án.
Cuối
năm 2012, theo đề xuất của Trung tâm chống ngập, TP chấp thuận bổ sung 13 tỉ
đồng để lắp đặt thiết bị tăng cường tần suất trao đổi khí trong nhà lên men sơ
cấp và trang bị thêm hệ thống xử lý khí. Đến nay, Sở TN-MT lại tiếp tục đề xuất
TP cấp thêm 14 tỉ đồng để nâng cấp nhà lên men sơ cấp từ dạng hở sang dạng kín.
Trong giai đoạn 2 nâng công suất xử lý, các sở, ngành liên quan đều đề xuất
thay công nghệ để xử lý triệt để các vấn đề như hiện nay.
Theo
đại biểu HĐND Nguyễn Trần Nghĩa, việc nhà máy cho rằng tiết kiệm được 300 tỉ
đồng để rồi phải đi "xin" lại TP 14 tỉ đồng sẽ rất khó lý giải với
người dân.
(Theo Người Lao Động)
tinmoitruong.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét